Linh hoạt quản lý khi phân luồng, hướng nghiệp học sinh
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:50, 08/05/2022
Tư vấn khéo léo
Những ngày này, học sinh lớp 9 các trường THCS tại Hà Nội đang hoàn thiện chương trình để tập trung ôn thi vào lớp 10. Em Hoàng Nguyệt Ánh (Lớp 9A3, Trường THCS Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Nguyện vọng 1 của em là Trường THPT Mỹ Đình. Việc chọn trường này là dựa trên năng lực bản thân và tư vấn của cô giáo chủ nhiệm".
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 1 cho biết: “Hiện nay, công tác tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường vẫn do giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm. Cách làm của trường dựa trên năng lực của từng nhóm học sinh, giáo viên sẽ có những tư vấn phù hợp”.
Một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội tư vấn, hướng nghiệp thông qua hoạt động ngoại khoá một cách linh hoạt.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Thay vì để giáo viên tư vấn, trường để cựu học sinh của trường tư vấn cho học sinh lớp 9. Chương trình 'Bí kíp luyện rồng' ra đời và được tổ chức thường niên với sự tham gia sôi nổi của các em học sinh và cựu học sinh đang học tại các trường THPT trên địa bàn Hà Nội”. Tại chương trình này, những cựu học sinh sẽ đến từng lớp trả lời các câu hỏi cho các em học sinh khoá sau đặt ra. Những hoạt động mang tính giao lưu được chính các cựu học sinh thiết kế, đã tiếp thêm động lực cho chính những thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi vào lớp 10 tới đây.
Cô Nguyễn Thanh Hà cho biết: “Chúng tôi không chỉ mời những cựu học sinh đang học trường THPT chuyên, mà các em còn đến từ các trường THPT công lập khác nhau, trường THPT ngoài công lập, trường nghề. Với sự tham gia đa dạng như vậy, các em học sinh nhiều kênh thông tin để chọn lựa”.
Khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục
Về vấn đề phân luồng cho học sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Từ tháng 12.2017, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 6122 để khắc phục 'bệnh thành tích' trong ngành giáo dục, trong đó, nhấn mạnh đến công tác quản lý thi cử và đào tạo thực chất. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục ban hành các văn bản yêu cầu toàn ngành thực hiện nghiêm túc Công văn 6122. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ, tổ chức thực chất, nghiêm túc các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, xét tuyển, xét tốt nghiệp THCS… Cùng với đó, để các trường làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường, đảm bảo đạt mục tiêu thực chất, chứ không phải là hình thức".
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%; phấn đấu 100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%; phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%...
Theo Báo Tin tức