Con nôn trớ, đau bụng có nên đề nghị bác sĩ xét nghiệm men gan để tìm viêm gan bí ẩn?
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:35, 09/05/2022
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, đến ngày 7.5, có khoảng 300 trẻ mắc viêm gan cấp ở 20 nước, 9 trẻ tử vong.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hôm 4.5 cho biết theo thông tin cập nhật từ WHO, bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.
Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt.
Theo cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E).
Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao
Bộ Y tế cho biết, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh và đang theo dõi sát sao. Cơ quan này yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur phối hợp với địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.
WHO và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra. Các cuộc điều tra đang được tiếp tục. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - virus Adeno lây qua đường hô hấp, gây nhiễm trùng hô hấp là chủ yếu. Nhưng virus cũng có thể gây bệnh ở các cơ quan khác như đường tiêu hóa hay viêm kết mạc mắt, viêm bàng quang. Y văn cũng từng ghi nhận tình trạng tổn thương gan ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch bị nhiễm Adeno virus.
“Những trường hợp tổn thương gan do virus Adeno trước đây là cực kỳ cá biệt, mức độ gặp phổ biến và nặng như chùm ca bệnh lần này là lạ”, BS Cấp nói.
Trên mạng xã hội, một số bài viết được đăng tải khuyến cáo phụ huynh nếu trẻ đột nhiên nôn trớ quá nhiều mà không rõ nguyên nhân cần cho con đi khám, ngoài khám tiêu hóa cần chú ý làm thêm xét nghiệm men gan để phát hiện viêm gan bí ẩn ở trẻ.
Bài viết này thu hút sự chú ý của hàng nghìn người. Bình luận sau lời khuyên này, chị T.B bày tỏ lo lắng tình trạng của con chị liệu có phải do bệnh gan hay không, khi bé được hơn 3 tháng tuổi vẫn nôn trớ, cộng thêm thay đổi thời tiết hay bị ngứa ngáy như mọc rôm bị khắp mặt, phải tắm lá chè xanh.
Trao đổi về vấn đề này, BS Cấp cho hay ngành Y tế luôn cảnh giác vì bệnh viêm gan bí ẩn hoàn toàn có thể xâm nhập vào nước ta vào một lúc nào đó.
Xét nghiệm men gan là xét nghiệm sinh hóa thông thường, rất nhiều cơ sở y tế có khả năng thực hiện. Đây là biện pháp nhằm đánh giá chức năng gan có tổn thương, có tình trạng suy gan hay không. Vì tình trạng rối loạn chức năng gan là một biểu hiện sớm của bệnh viêm gan bí ẩn. Còn để đến giai đoạn bệnh nhân vàng da, vàng mắt rõ hay lơ mơ, hôn mê thì đã là quá muộn.
Tuy nhiên, tình trạng đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ… là những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ và do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Vì thế không phải bất kỳ trẻ nào có những biểu hiện đó cũng xếp vào diện nghi ngờ mắc viêm gan bí ẩn, mà cần có sự đánh giá kỹ càng của thầy thuốc khám bệnh. Bác sĩ Cấp khuyên phụ huynh không nên quá hoang mang khi trẻ xuất hiện nôn trớ, tiêu chảy.
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng, nôn.
Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm dạ dày - ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, Covid-19.
Ngoài ra có thể do ngộ độc thực phẩm, chế độ ăn không phù hợp hoặc các bệnh lý ngoại khoa khác (như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột…).
“Nếu trẻ bị nôn trớ, đau bụng thì sẽ được khám, xác định các nguyên nhân thông thường để điều trị theo nguyên nhân đó. Chỉ xét nghiệm chức năng gan nếu có yếu tố nghi ngờ, nhằm sàng lọc, phát hiện sớm tình trạng tổn thương gan để chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu giúp xác định sớm ca bệnh đầu tiên. Từ đó triển khai các biện pháp điều trị và phòng lây nhiễm để tránh diễn biến quá xấu của bệnh nhân cũng như sự loang rộng của ổ bệnh”, BS Cấp nói.
Khi thấy con có những biểu hiện mệt mỏi kèm các dấu hiệu trên đây, cha mẹ cần đưa con đi bệnh viện ngay. Việc tiêm phòng đầy đủ vắc xin viêm gan A, B… cũng là điều rất quan trọng, cha mẹ cần tuân thủ.
Theo Vietnamnet