Khẳng định vị thế, tầm vóc và trách nhiệm Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 07:30, 11/05/2022
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ) từ ngày 11 đến 17.5.
Quan hệ đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ chính thức thiết lập năm 1977, trải qua nhiều giai đoạn và đạt kết quả khả quan trên các bình diện khác nhau, cả trong hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Hai bên đã nâng cấp lên Đối tác chiến lược tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần 3 ngày 21-11-2015. Hoa Kỳ thành lập Phái đoàn Đại diện thường trực tại ASEAN vào tháng 6-2010 và cử Đại sứ chuyên trách tại ASEAN vào tháng 4-2011.
Hiện nay, quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ bao gồm các cơ chế như: Hội nghị Cấp cao thường niên, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN-Hoa Kỳ, Đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao/Quan chức Cao cấp (SOM), Ủy ban Hợp tác chung (JCC) và các hội nghị, cuộc họp hợp tác chuyên ngành các cấp. Hai bên triển khai hợp tác toàn diện trên tất cả lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển, thực hiện dựa trên Kế hoạch Hành động ASEAN-Hoa Kỳ giai đoạn 2021-2025. Ngoài các Hội nghị Cấp cao thường niên từ năm 2013, hai bên cũng tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ (tại Sunnylands, Hoa Kỳ, tháng 2-2016) và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ (tại Manila, Philippines, ngày 13-11-2017).
Ảnh minh họa
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ lần này tại Washington D.C là sự tiếp nối trao đổi cấp cao giữa hai bên, khẳng định những cam kết của ASEAN và Hoa Kỳ về hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại và tăng cường giao lưu nhân dân. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự hội nghị.
Tại hội nghị này, dự kiến lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ sẽ cùng nhìn lại và đánh giá tổng thể chặng đường quan hệ đối tác hai bên trong 45 năm qua và đề ra những định hướng quan trọng phát triển quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ trong thời gian tới, đồng thời dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Ngoài ra, ASEAN và Hoa Kỳ cũng sẽ có các phiên thảo luận riêng, chuyên sâu về những nội dung hợp tác cùng quan tâm như: Kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác và an ninh biển, ứng phó và phục hồi sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững....
Sau 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã chứng kiến những bước tiến dài trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Hai nước đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013. Với Việt Nam, Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Trong khi đó, Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định ủng hộ một Việt Nam độc lập và phát triển giàu mạnh, mong muốn đưa quan hệ giữa hai nước lên một tầm mức mới. Hiện nay, Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng nhanh và ổn định.
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục đà phát triển tích cực. Lãnh đạo hai bên duy trì tiếp xúc và điện đàm ở các cấp, đặc biệt Việt Nam đã tổ chức thành công các hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề Đại hội đồng LHQ (tháng 9-2021) và các cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Joe Biden và Đặc phái viên John Kerry bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 10-2021. Hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trên các lĩnh vực như: Kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục, hợp tác quốc phòng-an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh... tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Hai bên cũng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như: Ứng phó với biến đổi khí hậu; giáo dục-đào tạo, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Đặc biệt, thời gian gần đây, hai nước đã tích cực hợp tác trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch. Hoa Kỳ đứng đầu trong số các nước cung cấp vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, cụ thể là đã viện trợ gần 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế này cùng nhiều vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch khác. Đáp lại, khi tình hình chống dịch tại Hoa Kỳ cấp bách, Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ thiết bị bảo hộ cá nhân và khẩu trang vải kháng khuẩn, được phía Hoa Kỳ trân trọng và đánh giá cao.
Trong khi đó, việc thúc đẩy quan hệ với LHQ được xác định là một trong những trọng tâm của đối ngoại đa phương Việt Nam qua các thời kỳ. Trong gần 45 năm qua kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập LHQ (tháng 9-1977), quan hệ giữa hai bên đã phát triển tốt đẹp, gặt hái được nhiều thành tựu. Việt Nam luôn là thành viên trách nhiệm, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của LHQ, nổi bật là thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ, đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó khẳng định vị thế và tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Quan hệ hợp tác Việt Nam-LHQ trong những năm qua cũng góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè và tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Ở chiều ngược lại, hệ thống phát triển LHQ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội. Các tổ chức LHQ, nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Hiện hai bên đã thông qua Khung hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và LHQ giai đoạn 2022-2026 với các lĩnh vực trọng tâm là phát triển xã hội bao trùm, chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và bền vững môi trường, chuyển đổi nền kinh tế và quản trị với tổng ngân sách là hơn 542 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD so với giai đoạn 2017-2021.
Có thể nói, những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới.
Cần nhấn mạnh rằng, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, đề cao vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ-một đối tác quan trọng của ASEAN. Bên cạnh đó, chuyến công tác cũng góp phần tạo động lực thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả lĩnh vực; góp phần củng cố quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa Việt Nam và LHQ, thể hiện cam kết mạnh mẽ, đóng góp tích cực của Việt Nam với hòa bình và ổn định trên thế giới...
Với những ý nghĩa quan trọng đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội để một lần nữa khẳng định vị thế, tầm vóc của đất nước và chứng tỏ vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với hợp tác trong khu vực cũng như trên thế giới.
Theo Báo Quân đội Nhân dân