Triều Tiên ghi nhận 6 ca tử vong, hơn 18.000 ca mắc COVID-19 trong ngày

Thế giới - Ngày đăng : 16:35, 13/05/2022

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này ghi nhận hơn 18.000 ca mắc COVID-19 và 6 ca tử vong ngày 12-5, nâng tổng số ca bệnh lên 350.000.

Ông Kim Jong Un đeo khẩu trang trong cuộc họp chỉ đạo chống dịch ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 12.5 - Ảnh: KCTV

Trong bản tin ngày 13.5, KCNA lần đầu tiên cung cấp số liệu về số ca mắc COVID-19 tại Triều Tiên. Theo đó, nước này có thêm 18.000 ca có triệu chứng và 6 ca tử vong chỉ trong ngày 12.5.

Kể từ khi dịch lây lan "bùng nổ toàn quốc" từ tháng 4-2022, Triều Tiên ghi nhận tổng cộng hơn 350.000 ca bệnh. Khoảng 187.000 ca đang được cách ly điều trị và khoảng 162.000 ca đã được điều trị, KCNA đưa tin nhưng không nói rõ có bao nhiêu trường hợp xét nghiệm dương tính.

KCNA cho biết các mẫu xét nghiệm của các bệnh nhân vào cuối tuần trước cho thấy họ nhiễm biến thể Omicron dòng BA.2 nhưng cũng không cho biết số ca nhiễm.

Trong ngày 12.5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến trung tâm chỉ huy cách ly khẩn cấp quốc gia để kiểm tra các nỗ lực chống dịch. Ông cũng chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị Triều Tiên tại Bình Nhưỡng.

Tại cuộc họp, ông Kim Jong Un đeo khẩu trang khi cam kết đối phó với dịch và chỉ đạo các quan chức phong tỏa nghiêm các thành phố và khu vực toàn quốc nhằm ngăn dịch lây lan. Ông cho biết đợt bùng phát hiện nay, trong đó có tâm dịch là thủ đô Bình Nhưỡng, cho thấy có lỗ hổng trong hệ thống phòng chống dịch.

Theo ông Kim, Triều Tiên sẽ tập trung ngăn chặn sự lây lan của virus cũng như điều trị các bệnh nhân để ngăn đợt dịch lây lan. Ông cam kết Triều Tiên sẽ vượt qua dịch bệnh bằng mọi giá trong bối cảnh người dân đã nâng cao nhận thức và đoàn kết trong thời gian qua.

"Kẻ thù nguy hiểm hơn con virus độc hại kia chính là nỗi sợ phi khoa học, thiếu niềm tin và ý chí yếu kém", ông Kim nói.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng yêu cầu các quan chức tiếp tục kế hoạch phát triển kinh tế và các dự án xây dựng để tránh làm kinh tế suy yếu.

Theo Tuổi trẻ