Khai mở du lịch nông thôn
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:34, 14/05/2022
Tại đây, tôi được người dân hướng dẫn làm những món bánh truyền thống, thưởng thức trái cây ngay tại vườn hay xem cá lóc bay... Nhờ phát triển du lịch nông nghiệp, Cồn Sơn từ một cù lao bị lãng quên, nổi tiếng “ba không” (không nước sạch, không điện, không đường), nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Không ít người dân nơi đây từ nghèo khó mà trở nên giàu có. Trong chuyến đi này, một người bạn cùng quê với tôi vào đây làm du lịch hơn chục năm trước cho rằng Hải Dương cũng có nhiều điểm để phát triển du lịch cộng đồng thú vị không kém Cồn Sơn như vùng vải thiều ở Thanh Hà, vùng rươi cáy ở Tứ Kỳ, khu du lịch sinh thái Đảo Cò (Thanh Miện) hay những cồn bãi ven sông, trên sông rất nhiều…
Từ lâu nhiều vùng quê ở Thanh Hà được du khách đến thăm và ví như miệt vườn ở miền Bắc. Vùng rươi cáy ở Tứ Kỳ cũng đã được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm... Tiềm năng du lịch nông thôn của tỉnh giàu có như vậy không thể để lãng phí.
Tại lễ công bố huyện Thanh Hà đạt chuẩn nông thôn mới ngày 10.5, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đã lưu ý địa phương cần quan tâm phát triển dịch vụ chất lượng cao, du lịch sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp và các di tích lịch sử, văn hóa. Đây có thể là gợi mở cho nhiều địa phương khác của tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc khai thác phát triển du lịch nông thôn.
Với nhiều du khách thì Hải Dương chỉ là nơi đi qua hoặc dừng chân tạm thời trước khi đến Hải Phòng, Quảng Ninh hay về Thủ đô Hà Nội. Điều này quả là thiệt thòi với tỉnh nếu như không sớm có giải pháp níu chân du khách. Vì thế, việc phát triển những khu du lịch sinh thái nông thôn hấp dẫn gắn với văn hóa, ẩm thực đặc sắc ở một vài vùng quê nào đó có thể sẽ là những gợi ý rất tốt để du khách tìm đến Hải Dương vui chơi, trải nghiệm.
Tiềm năng du lịch nông thôn Hải Dương đã thấy rõ nhưng để trở thành điểm đến hấp dẫn, ấn tượng thì cần có những bước đi bài bản, vững chắc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có những cuộc khảo sát, đánh giá cụ thể về tiềm năng này, từ đó xây dựng đề án hoặc chương trình cụ thể để triển khai.
Du lịch nông thôn muốn phát triển thì cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước. Đó là đường giao thông, hệ thống các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng. Sau đó phải có các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp như hướng dẫn viên, quà lưu niệm và các chương trình trải nghiệm. Bản thân người dân ở mỗi vùng quê cũng cần được đào tạo để trở thành những hướng dẫn viên, đại sứ du lịch thực thụ. Làm sao để có những mô hình du lịch được hình thành ngay trong chính ngôi nhà, trang trại và quê hương của họ như cách làm ở làng Nương (Yên Tử) hay làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải ở TP Thái Nguyên. Ngoài ra, du lịch nông thôn muốn chuyên nghiệp, phát triển hiệu quả, bền vững còn cần đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phù hợp với nhu cầu của thị trường và bảo tồn được các giá trị tự nhiên, văn hóa của địa phương.
Du lịch Hải Dương đã khởi động trở lại sau đại dịch với chuỗi các sự kiện lớn như Tuần lễ Văn hóa, thể thao, du lịch chào mừng SEA Games 31, lễ khai hội và mở vườn vải xuất khẩu, Hội thi "Vải thiều Thanh Hà-Tinh hoa văn hóa xứ Đông", Tuần lễ Xúc tiến thương mại và du lịch… Đây là dịp để Hải Dương giới thiệu đến du khách những tour du lịch về xứ vải Thanh Hà, Đảo Cò (Thanh Miện), khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (Chí Linh)... làm tiền đề quảng bá du lịch nông thôn.
Hy vọng trong tương lai gần Hải Dương sẽ hình thành được những điểm du lịch nông thôn hấp dẫn để du khách tìm đến lưu trú chứ không phải quá cảnh đến những vùng du lịch khác.
HẢI MINH