Nông thôn mới - Động lực cho sự phát triển ở Tứ Kỳ

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:00, 15/05/2022

10 năm qua, với sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Tứ Kỳ đã phát huy được thế mạnh của địa phương, từng bước vượt qua khó khăn, "hái quả ngọt" trong chặng đường về đích nông thôn mới.


Lãnh đạo huyện Tứ Kỳ kiểm tra mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng góp sức của người dân, sau 10 năm triển khai thực hiện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tứ Kỳ phấn khởi, tự hào đón nhận quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và Huân chương Lao động hạng ba. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng bền bỉ không mệt mỏi của địa phương, là động lực, niềm tin để huyện bước vào giai đoạn mới, gặt hái những “quả ngọt” to lớn hơn.

Giải pháp mạnh

Khi bắt tay thực hiện xây dựng NTM, Tứ Kỳ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Xuất phát điểm thấp, tiềm lực hạn chế, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, nông nghiệp manh mún là những rào cản khiến địa phương đuối sức so với những nơi khác trong tỉnh. Mỗi xã chỉ đạt 5,3 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 mới đạt 13,7 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 14,9%.

Dù trước mắt là khó khăn, thách thức, song Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã "thổi làn gió mới", làm thay đổi nhận thức, thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tứ Kỳ quyết chí phấn đấu vươn lên. Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, thực hiện. Từ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, hiện trạng cơ sở vật chất, hạ tầng của mỗi địa phương, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của các xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, vạch rõ lộ trình và hướng đi đúng đắn. Quan điểm chung là tiêu chí dễ thực hiện trước, tiêu chí khó thực hiện sau. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các thôn, xã trong quá trình thực hiện các tiêu chí.

Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tăng cường tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về nhiệm vụ xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận, biến xây dựng NTM trở thành phong trào thi đua sâu rộng. Thực hiện đúng nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", công khai, dân chủ, minh bạch khi sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách và huy động đóng góp. Nhờ vậy, nhân dân Tứ Kỳ đã tự nguyện đóng góp gần 60 tỷ đồng, hiến hơn 370.000 m2 đất, hàng nghìn ngày công lao động để làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng.  

Lấy nhiệm vụ phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho người dân là trọng tâm, huyện ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng như nuôi thủy sản tập trung, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp, dịch vụ… Ngoài hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện có cơ chế thưởng cho các xã về đích là 1,5 tỷ đồng/xã, riêng các xã khó khăn được hỗ trợ thêm từ 2-3 tỷ đồng.


Huyện Tứ Kỳ hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động

 “Quả ngọt”

Từ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, quyết tâm chính trị cao từ huyện đến cơ sở cùng sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, huyện đã gặt hái “quả ngọt”, các làng quê ngày càng “thay da, đổi thịt”, kinh tế-xã hội có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2020 của huyện bình quân đạt 10,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2021, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 45,2%; thương mại-dịch vụ 30,8%; nông nghiệp, thuỷ sản giảm còn 24% (trước xây dựng NTM tỷ lệ tương ứng là 32,06% - 32,74% - 35,2%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,3 triệu đồng, tăng 39,5 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,57%.

Tứ Kỳ đang là địa phương đi đầu tỉnh trong phát triển nông nghiệp hữu cơ cả về quy mô, diện tích. Huyện đang có 6 vùng sản xuất hữu cơ ở các xã An Thanh, Quang Trung, Cộng Lạc, Chí Minh... với tổng diện tích 238,2 ha. Các mô hình nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích 13.800 m2 chủ yếu trồng rau hữu cơ, đứng thứ ba tỉnh. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 626 ha được canh tác hữu cơ. Ngoài cấy lúa, huyện cũng trồng 100 ha chuối hữu cơ gắn với xuất khẩu.

Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, đứng thứ 2 tỉnh về tổng đàn và số lượng trang trại, trong đó 16 trang trại được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Giá trị nuôi thủy sản tập trung đạt trên 400 triệu đồng/ha, cao nhất tỉnh về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất. Huyện đang xây dựng liên vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao Tái Sơn-Quang Phục-Tân Kỳ với diện tích 296 ha, lớn nhất tỉnh. Nhờ những kết quả trên, đến năm 2021, huyện có 10 sản phẩm được tỉnh chứng nhận OCOP 3 và 4 sao. Năm 2021, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 159 triệu đồng/ha.

Vừa phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, Tứ Kỳ vừa chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ, thu hút đầu tư. Địa phương hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động. 100% các tuyến đường huyện, xã, thôn xóm, đường ra đồng, đường nội đồng được nhựa hoá, bê tông hoá, cứng hoá, thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 15%/năm.

Lĩnh vực giáo dục, đào tạo có nhiều khởi sắc. Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư. Địa phương chú trọng nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hội họp, vui chơi, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân. 100% số thôn, khu dân cư được công nhận văn hóa…

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Xây dựng Đảng vững mạnh, ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và hoạt động hiệu quả.

Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng NTM gắn với phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, nông dân thông minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế chuyển dịch và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp bền vững, môi trường sinh thái được bảo vệ...

Huyện sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm chi phí, tăng giá trị. Tận dụng ưu thế hạ lưu sông để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục và đào tạo. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động… Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã được công nhận NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng và giảm 2/3 số hộ nghèo theo chuẩn mới...

NGUYỄN NGỌC SẪM
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ