Giá thép quay đầu giảm sau một thời gian dài "tăng sốc"
Thị trường - Ngày đăng : 15:01, 16/05/2022
Việc triển khai đầu tư công cũng đối mặt với rủi ro giảm trong tương lai gần nếu giá vật liệu xây dựng như thép, xi măng và đá xây dựng vẫn ở mức cao
Đầu vào đi xuống, giá thép hạ nhiệt
Một loạt doanh nghiệp thép trong nước vừa tiến hành điều chỉnh giảm giá mặt hàng này sau thời gian dài tăng nóng.
Cụ thể, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên đã có thông báo giảm giá thép cây 300.000 đồng/tấn, còn thép cuộn giảm mạnh hơn là 450.000 đồng/tấn. Phạm vi áp dụng giảm giá trên toàn quốc và mức này chưa bao gồm VAT. Doanh nghiệp cho biết giá thép giảm do giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào giảm.
Tương tự, Công ty CP sản xuất Thép Việt Đức cũng vừa tiến hành giảm giá thép cây các chủng loại 300.000 đồng/tấn, thép cuộn các chủng loại giảm 450.000 đồng/tấn.
Hiện giá bán thép tại Tổng công ty Thép Việt Nam sau khi điều chỉnh giảm còn khoảng 18,75 - 19,1 triệu đồng/tấn (áp dụng thanh toán ngay và chưa bao gồm VAT), vẫn vượt mức kỷ lục thiết lập năm ngoái.
Nguyên nhân giảm giá đợt này, được hầu hết doanh nghiệp cho biết, là giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép giảm đáng kể. Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho thấy, hiện giá các nguyên liệu đầu vào đồng loạt giảm so với tháng 3 năm nay.
Cụ thể, trong báo cáo vừa công bố, VSA cho biết quặng sắt loại 62% Fe ngày 9/5 giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4. Mức giá này cũng giảm khoảng 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021.
Ngoài ra, các mặt hàng như thép phế liệu, điện cực graphite, cuộn cán nóng HRC... đều có xu hướng giảm giá so với thời điểm giao dịch đầu tháng 4 năm nay.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 11,43 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoài. Bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 10,55 triệu tấn, tăng 4,1%. Trong đó xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, 9,4%.
Giá vật liệu xây dựng vẫn cao sẽ làm chậm triển khai đầu tư công
Một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội cho biết đà tăng "nóng" của thép kéo dài từ sau Tết Âm lịch, có lúc tăng tới 600.000 đồng/tấn. Xu hướng hạ nhiệt mới đối với mặt hàng này được doanh nghiệp ngành xây dựng kỳ vọng sẽ kéo dài để giảm bớt áp lực, khó khăn.
Trong khi đó, báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 5 của VNDirect nhận định, tăng trưởng đầu tư công có thể chậm lại do giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong đó thép chiếm tỷ lệ quan trọng.
Nhóm chuyên gia lưu ý, việc triển khai đầu tư công cũng đối mặt với rủi ro giảm trong tương lai gần nếu giá vật liệu xây dựng như thép, xi măng và đá xây dựng vẫn ở mức cao do tác động của xung đột Nga - Ukraine và đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng.
"Các nhà thầu có thể chậm triển khai dự án so với kế hoạch ban đầu do giá vật liệu xây dựng tăng cao đã tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp xây dựng", VNDirect nhận định.
Đối với năm nay, VNDirect duy trì dự báo vốn đầu tư công thực hiện tăng 20-30% so với thực hiện thực tế năm 2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm nay sẽ cao hơn nửa đầu năm nhờ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đầu tư công tăng trưởng đã âm trong 6 tháng cuối năm 2021 do làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội và giá vật liệu xây dựng tăng.
Để "hạ nhiệt" giá vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã ký công văn yêu cầu các bộ ngành và địa phương vào cuộc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.
Theo Dân trí