Đồng chí Võ Văn Thưởng: "Bỏ môn Lịch sử" là cách diễn đạt chưa đúng

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:12, 16/05/2022

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng đã có cách diễn đạt không đúng, khiến nhiều người hiểu nhầm là bỏ môn Lịch sử ở THPT.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri tại huyện Hoà Vang và quận Cẩm Lệ ngày 13.5.

Nhiều cử tri bày tỏ bức xúc, lo lắng trước thông tin "môn Lịch sử bị đưa ra khỏi chương trình học bắt buộc ở bậc THPT". Từng là giáo viên Ngữ văn, Lịch sử và cán bộ quản lý giáo dục 38 năm, cử tri Nguyễn Đình Hùng (xã Hòa Phong) nêu ra những câu chuyện mình gặp phải về sự thiếu hiểu biết lịch sử của học sinh.

Cử tri Nguyễn Đình Hùng nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri, sáng 13/5. Ảnh: Nguyễn Đông

Cử tri Nguyễn Đình Hùng nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri, sáng 13/5. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông kể, trong một lần kiểm tra môn Ngữ văn lớp 8, đề trích dẫn Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn và yêu cầu học sinh trình bày hiểu biết về đoạn trích, có em bài làm gần hai trang, nêu rõ ngày tháng năm sinh, quê quán, thân thế, sự nghiệp của "ông Hịch Tướng Sĩ" và còn mô tả "ông" nghe lời kêu gọi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đứng lên cầm súng đánh giặc, khi chết được chôn cất tại nghĩa trang Gò Cà (huyện Hòa Vang)...

"Lịch sử là môn học bản lề, nền móng để học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước và ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nên ngành giáo dục phải đưa môn Lịch sử thành môn học bắt buộc trong trường THPT", ông Hùng kiến nghị.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, một số người "dùng từ bỏ môn Lịch sử là diễn đạt chưa đúng", gây hiểu nhầm rằng sẽ bỏ môn Lịch sử ở cấp THPT. Ông cho biết, không chỉ cử tri bức xúc, nhiều lãnh đạo cấp cao khi nghe cách diễn đạt này cũng băn khoăn và yêu cầu rà soát lại.

"Tôi có đề nghị Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội hệ thống lại số tiết, thời gian, số trang sách học Sử theo chương trình cũ và mới để xem chênh lệch như thế nào. Kết quả là nếu không chọn Lịch sử là môn bắt buộc ở THPT thì chương trình mới vẫn nhiều hơn chương trình cũ 71 tiết Sử. Còn nếu chọn môn Lịch sử, tức là học sinh đi theo hướng ngành khoa học xã hội nhân văn, thì học nhiều hơn 176 tiết", ông nói.

Vẫn theo Thường trực Ban Bí thư, về kiến thức, cấp học THCS giải quyết cơ bản nội dung của môn Lịch sử. Lên cấp THPT, dù bắt buộc hay không, nội dung môn Lịch sử cũng tương đối nhiều. Bên cạnh đó, trong chương trình đổi mới, có nhiều môn có tính chất bắt buộc, như học về quốc phòng, an ninh, bảo vệ tổ quốc, lịch sử địa phương... đều liên quan đến lịch sử.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trả lời ý kiến cử tri thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trả lời ý kiến cử tri thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

"Sẽ không thể giáo dục quốc phòng đầy đủ nếu không nói về các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Sẽ không thể nói về an ninh nếu không nói về các cuộc đấu tranh chống lại sự chống phá của các thế lực thù địch. Môn học về lịch sử địa phương cũng là cái mới trong chương trình, từng địa phương sẽ có một phần lịch sử gắn với lịch sử của quốc gia", ông Thưởng nói.

Theo Thường trực Ban Bí thư, không chỉ Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào cũng sẽ thật đau khổ khi mỗi công dân không biết lịch sử của dân tộc, đất nước mình. "Bài học trong lịch sử luôn là kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề hiện tại", ông nói thêm.

Theo VnExpress