Làm theo Bác bằng những việc đột phá
Làm theo gương Bác - Ngày đăng : 16:43, 18/05/2022
Huyện ủy Tứ Kỳ đang xây dựng từ 1-2 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được cấp có thẩm quyền công nhận. Trong ảnh: Người dân xã Quang Phục thu hoạch cá ở vùng thủy sản tập trung
Các cấp ủy đảng trong tỉnh đã thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" bằng những việc đột phá, thiết thực, mang lại chuyển biến tích cực tại đơn vị, địa phương.
Cụ thể, thiết thực
Nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Huyện ủy Tứ Kỳ xác định hoàn thành xây dựng từ 1-2 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được cấp có thẩm quyền công nhận là 1 trong 3 công việc đột phá cần tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện trong năm 2022. Để thực hiện công việc đột phá trên, huyện Tứ Kỳ đã và đang tập trung hoàn thiện hạ tầng sản xuất, trong đó khẩn trương xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng. Tứ Kỳ cũng là địa phương đi đầu tỉnh trong phát triển nông nghiệp hữu cơ cả về quy mô, diện tích với 6 vùng sản xuất hữu cơ...
Đồng chí Phạm Hồng Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tứ Kỳ cho biết: "Cùng với các công việc đột phá của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thẩm định và giao các tổ chức cơ sở đảng, các ban xây dựng Đảng, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội huyện thực hiện 143 công việc đột phá; giao các cá nhân diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý 234 công việc đột phá. Các công việc đột phá tập trung vào 2 nhóm nội dung là khắc phục hạn chế, khó khăn, yếu kém của năm 2021; xác định những việc đột phá, đổi mới, sáng tạo, cấp bách năm 2022".
Năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông có sự bứt phá về vị trí Chỉ số cải cách hành chính khi từ vị trí thứ 12 năm 2020 đã vượt lên đứng thứ 3. Sở này đứng đầu về Chỉ số thành phần xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tiếp tục xác định cải cách hành chính là một nhiệm vụ đột phá năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, quản lý về ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: "Năm 2022, sở đặt mục tiêu 100% số văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; 100% văn bản đi (trừ những văn bản mật, văn bản không có trong danh mục) được ký số và ban hành trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ điện tử hồ sơ công việc của cơ quan. Phấn đấu cung cấp 100% số dịch vụ công mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính do đơn vị cung cấp".
Sở Thông tin và Truyền thông phấn đấu trong năm 2022 sẽ cung cấp 100% số dịch vụ công mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính do đơn vị cung cấp. Trong ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các đơn vị liên quan diễn tập bảo đảm an toàn, an ninh mạng
Chuyển biến rõ nét
Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01- KL/TW gắn bó nhuần nhuyễn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định 3 nhóm nội dung công việc đột phá. Đó là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số, khởi nghiệp, sáng tạo. Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị xanh, thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nêu cao vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thách thức của người đứng đầu đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở 3 nhóm công việc đột phá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra, năm 2022 các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy lựa chọn 36 công việc sát với đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị mình để thực hiện dứt điểm trong năm, đồng thời chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng đăng ký công việc đột phá thực hiện trong năm 2022. Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thẩm định đăng ký và giao thực hiện 178 việc đột phá đối với các đồng chí cấp trưởng diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Các việc đột phá tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước. Việc thực hiện các công việc đột phá đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, mang tính bức xúc, cấp thiết tại các địa phương, đơn vị. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nói đi đôi với làm, thể hiện thái độ gần dân, trọng dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền.
Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong quý I đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều điểm sáng. Tăng trưởng GRDP ước đạt 14,2% (cao thứ 2 cả nước). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 5.830 tỷ đồng, đạt 39,4% dự toán năm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong 1 năm, Hải Dương từ vị trí thứ 47, tăng tốc 34 bậc, vươn lên vị trí số 13 trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, đứng thứ 6 trong số 11 tỉnh, thành phố ở vùng đồng bằng sông Hồng...
Những kết quả trên khẳng định việc quyết liệt thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Đây cũng là giải pháp quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, được cán bộ, đảng viên đồng tình hưởng ứng.
HOÀNG BIÊN