Kiếm lãi chục nghìn tỷ, ngân hàng bớt "ăn dày", đỡ khó cho doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 06:13, 19/05/2022
Áp lực từ lạm phát
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, lạm phát của Việt Nam có thể ở mức 4,5% trong năm nay và vượt ngưỡng 5% trong năm 2023. Các yếu tố gây áp lực lạm phát trong thời gian tới là giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong đó, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm tạo áp lực lớn nhất do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng hơn 2%, làm gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Rủi ro nhập khẩu lạm phát là không tránh khỏi khi các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch cũng là áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, sẽ đẩy lãi suất huy động tăng. Tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới, sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát.
Trên thực tế, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4.2022, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm, cao nhất tới 0,6 điểm %/năm. Sang tháng 5.2022, một số ngân hàng lại tiếp tục công bố tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm %/năm.
Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) từ 9.5 tăng lãi suất huy động thêm từ 0,2-0,4 điểm %/năm. Với kỳ hạn 36 tháng khi gửi tại quầy, lãi suất là 6,5-6,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 6,1-6,2%/năm. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) tăng lãi suất tiền gửi online lên cao nhất 6,5%/năm, áp dụng cho khách gửi từ 15 tháng trở lên. Ngân hàng TMCP Nam Á từ 9.5 nâng mức lãi suất huy động tiền gửi tại quầy, kỳ hạn 3 tháng lên 3,95%/năm; kỳ hạn 6 và 9 tháng lần lượt lên 5,6%/năm và 5,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng lãi suất lên 6,4%/năm và kỳ hạn 18-23 tháng lên 6,7%/năm…
Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng, Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu chúng ta kiểm soát được lạm phát thì mới có khả năng giảm được lãi suất. Còn trong trường hợp không kiểm soát được lạm phát thì không thể giảm lãi suất.
Có hy sinh lợi nhuận?
Theo Lê Xuân Nghĩa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tiếp tục tăng lãi suất. Fed tăng lãi suất tuy không có tác động mạnh, nhưng mặt bằng lãi suất tại Việt Nam cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng. Áp lực tăng lãi suất huy động cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn từ nay tới cuối năm, đặc biệt khi kỳ vọng lạm phát của người dân ngày càng tăng cao, buộc các ngân hàng phải huy động lãi suất tiền gửi cao hơn. Điều này kéo theo những áp lực nhất định đối với lãi suất cho vay.
Không những thế, hệ thống ngân hàng còn chịu áp lực khác, đó là nợ xấu. Hiện nay nợ xấu chưa được phản ánh đầy đủ, bởi quy định giãn hoãn nợ. Từ tháng 6.2022, quy định này sẽ không còn nữa, số nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhiều hơn, trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng lên. Nguồn tiền cho vay sẽ giảm, vì vậy lãi suất huy động sẽ tăng thêm, tác động đến lãi suất cho vay, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Các ngân hàng cũng cho biết, trong ngắn hạn lãi suất cho vay cơ bản ổn định, để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, về dài hạn, lãi suất cho vay sẽ biến động, phù hợp với tình hình lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của từng ngân hàng.
Theo các doanh nghiệp, họ đang vay vốn ngắn hạn từ các ngân hàng với lãi suất từ 8,5-9%/năm, còn trung và dài hạn từ 9,5-10%/năm. Tuy nhiên, tùy từng lĩnh vực các ngân hàng có quy định lãi suất cho vay riêng. Thời gian tới nếu lãi suất cho vay tăng, sẽ ảnh hưởng đáng ngại tới sản xuất kinh doanh.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định: Các doanh nghiệp rất trông chờ vào gói hỗ trợ cấp bù lãi suất vay vốn 2% từ Chính phủ. Tuy nhiên, nợ xấu ngân hàng sắp trở quay lại và áp lực gia tăng lạm phát khiến lãi suất cho vay tăng. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của gói hỗ trợ.
Chuyên gia Võ Trí Thành lo ngại, với sức ép từ việc tăng lãi suất của Fed, cũng như áp lực lạm phát thì mục tiêu giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1 điểm %/năm, trong hai năm tới ngày càng khó khăn. Nhưng không phải là không còn dư địa để giảm lãi suất trong giai đoạn tới. Nếu các ngân hàng TMCP nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động và hy sinh bớt lợi nhuận, sẽ có thêm dư địa tài chính hỗ trợ khách hàng.
Thống kê từ 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1.2022, tổng lợi nhuận đạt gần 68.000 tỷ đồng, tăng hơn 16.000 tỷ đồng so với quý 1.2021, tương đương tăng 31%. Trong đó, có 15 ngân hàng đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, Công ty Chứng khoán SSI nhận thấy tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 có thể đạt khoảng 24-25% so với cùng kỳ. Nhiều ngân hàng đặt ra mục tiêu lợi nhuận cao trong năm nay, có thể dẫn đến tăng lãi suất cho vay khi lãi suất huy động tăng cao. Trong khi, Thủ tướng Chính phủ cùng một số đại biểu Quốc hội, các hiệp hội DN… liên tục kêu gọi ngân hàng hy sinh bớt lợi nhuận để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Lãi suất cho vay tăng sẽ đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp lên, trong khi giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán, dẫn tới tổng cầu có thể bị tác động xấu, gây ra sự trì trệ, sụt giảm. Nếu không tăng giá bán khi chi phí tăng nhanh sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn và có thể phải đóng cửa. Khi đó, sự hồi phục kinh tế sau dịch Covid sẽ bị giáng một đòn mạnh.
Theo Vietnamnet