Lịch sử được dạy thế nào ở trường học các nước?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:55, 19/05/2022

Tại Singapore, Mỹ và Australia, lịch sử là môn quan trọng và bắt buộc ở các bậc học nền tảng nhưng trở thành môn tự chọn trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Phan Vũ Lân hiện là sinh viên năm cuối Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD). Lân học cấp hai tại Singapore, sau khi giành học bổng A*Star năm 2014. Nam sinh cho biết, học sinh ở đây phải thi lấy bằng O level (General Certificate of Education: Ordinary Level) để vào THPT. Lịch sử là một trong những môn bắt buộc trong O level.

Lân cho hay, môn lịch sử ở đây được học theo kiểu nghị luận, đòi hỏi học sinh phải có tư duy phân tích và đánh giá. Giáo viên không đọc từ sách giáo khoa mà sẽ tóm tắt nội dung bài học và có hình thức Q&A (hỏi và trả lời) để học sinh hiểu bài sâu hơn. Các em được yêu cầu tự nghiên cứu tài liệu ở nhà, có thể tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn trên mạng.

Lân hiện là sinh viên năm cuối ngành Khoa học Máy tính, Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lân hiện là sinh viên năm cuối ngành Khoa học Máy tính, Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước khi thi, các em được luyện đề từ năm trước để quen dạng và biết cách làm bài. Lúc thi, thay vì đòi hỏi học thuộc nội dung trong sách, học sinh được cho một sự kiện, yêu cầu miêu tả, giải thích các nguyên nhân hoặc đưa ra ý kiến.

Theo Phó giáo sư Lê Thị Nguyệt Minh ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Singapore đã thay đổi cách dạy lịch sử từ kiểu học thuộc lòng sang phân tích. Đề thi (từ lớp bốn) thường đưa ra các sự kiện trong lịch sử và yêu cầu học sinh phân tích.

Lịch sử Singapore được dạy từ cấp một đến cấp hai trong môn Xã hội (Social Study) bắt buộc cho tất cả học sinh. Lịch sử thế giới được dạy từ cấp hai đến cấp ba nhưng không bắt buộc, chỉ dành cho những em yêu thích.

"Học sinh bắt buộc học lịch sử nước mình và những kiến thức về xã hội Singapore để coi trọng công lao của cha ông và nối tiếp truyền thống, văn hóa của nước mình", Phó giáo sư Minh chia sẻ.

Để các em yêu thích lịch sử, các bài giải ở lớp thường có nhiều video và các câu hỏi về quan điểm. Các bảo tàng lịch sử và văn hóa ở Singapore cũng miễn phí hoặc giảm giá cho công dân.

Singapore cũng có hệ thống thư viện công sạch đẹp, nhiều sách lịch sử bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Hindu, tiếng Malaysia và hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, kiến thức lịch sử còn được đưa vào các ngày hội, trò chơi, cuộc thi, phim ảnh, tivi, thậm chí áp phích trên đường phố. Hầu như ở góc phố nào ở Singapore cũng có các hình thức giáo dục lịch sử.

Bé Minh Khai, 5 tuổi, con trai chị Minh, đứng trước khu trưng bày về các khu vực của Singapore trong Bảo tàng quốc gia. Mỗi hình chữ nhật trên bản đồ sau lưng bé là một cái hộp và khi mở ra có thể đọc tên, lịch sử của một khu vực trên bản đồ nước này. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bé Minh Khai, 5 tuổi, con trai chị Minh, đứng trước khu trưng bày về các khu vực của Singapore trong Bảo tàng quốc gia. Mỗi hình chữ nhật trên bản đồ sau lưng bé là một cái hộp, khi mở ra có thể đọc tên, lịch sử của một khu vực ở nước này. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tương tự Singapore, môn sử đóng vai trò quan trọng trong chương trình học của các trường ở Mỹ. Theo cô Đinh Thu Hồng, giáo viên Học khu Gwinnett, Atlanta, tiểu bang Georgia, lịch sử thuộc môn khoa học xã hội, là một trong bốn môn học chính. Ba môn còn lại là toán (Math), ngữ văn (ELA- English Language Arts) và khoa học tự nhiên (Science). Ngoài mỗi bài kiểm tra hàng kỳ, các tiểu bang đều có kỳ thi cuối năm cho bốn môn chính.

Khi dạy khoa học xã hội, các giáo viên ít dùng sách giáo khoa (chỉ chiếm khoảng 5% tổng số nguồn tài liệu). Nguồn tham khảo chủ yếu đến từ học khu và Internet.

Cô Hồng và các đồng nghiệp áp dụng bốn cách chính để dạy môn khoa học xã hội. Thứ nhất, sử dụng Tư duy phản biện (Critical Thinking) thông qua các loại bài tập đa dạng, trên nhiều nền tảng khác nhau, cả online và offline; dự án, bài trình bày; hoạt động Nhìn qua ô cửa (Porthole Activity) và Các trò chơi, bảng tự chọn.

Thứ hai, sử dụng Yếu tố hình ảnh/ Sơ đồ thông tin (Visuals/Graphics Organizers). "Đây là cách hữu ích đối với nhiều nhóm học sinh, đặc biệt là những em nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL)", cô Hồng cho biết.

Thứ ba, dạy học liên môn thông qua bài đọc, tạp chí, viết theo thể loại: thơ, văn trần thuật về các nhân vật lịch sử... và dạng đọc viết để luyện từ như điền chỗ trống, hoàn thành câu...

Thứ tư, kết nối với đời sống đương đại bằng cách tham quan những di tích, danh thắng lịch sử; trang trí trường lớp với hình ảnh, trích dẫn của các nhân vật lịch sử và những hoạt động mang tính hiện đại, gần gũi với các bạn trẻ, ví dụ soạn tin nhắn, hay gắn hashtags.

Học sinh lớp 3 của cô Hồng trình bày dự án về các vùng thổ dân da đỏ Mỹ trong giờ học môn Khoa học Xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Học sinh lớp 3 của cô Hồng trình bày dự án về các vùng thổ dân da đỏ Mỹ trong giờ học Khoa học Xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại Australia, môn lịch sử nằm trong các môn khoa học xã hội và nhân văn bắt buộc từ lớp 7 đến lớp 10. Theo chương trình giáo dục của Australia, giáo dục phổ thông chia làm hai giai đoạn gồm nền tảng và giai đoạn tốt nghiệp. Trong đó, bậc tiểu học kéo dài 7 năm từ lớp mầm non đến lớp 6; trung học 6 năm từ lớp 7 đến lớp 10 và giai đoạn tốt nghiệp từ lớp 11 đến lớp 12.

Giai đoạn nền tảng sẽ gồm 8 lĩnh vực học chính: tiếng Anh, toán, khoa học, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục sức khỏe và thể chất, ngoại ngữ, công nghệ và nghệ thuật.

Ở giai đoạn lớp 7- lớp 10, môn sử tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu lịch sử Australia và thế giới. Lịch sử Australia phải được giảng dạy trong bối cảnh lịch sử thế giới. Học sinh có cơ hội phát triển kiến thức, hiểu biết và kỹ năng thông qua nghiên cứu về xã hội, sự kiện, phong trào và sự phát triển. Sau giai đoạn này, học sinh có thể chọn học sâu hơn về lịch sử cổ đại hay hiện đại.

Theo VnExpress