Nguồn cảm hứng lớn nhất SEA Games
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:22, 21/05/2022
Những ngày ấy, tôi đang "hộ đê" ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong khi chờ cô con gái đầu lòng của mình ra đời, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng đặc biệt thể hiện tình yêu với màu cờ sắc áo: sau một bàn thắng của đội tuyển Việt Nam, vài bà bầu nhảy cẫng lên quên mất cái bụng chửa vượt mặt.
Cả những môn thể thao khác nữa, họ và người nhà của họ đều xem một cách say sưa trước cái tivi đặt ở hành lang.
SEA Games 22 chính là cái mốc để người hâm mộ thể thao Việt Nam biết nhiều hơn về thể thao, không chỉ theo đuổi và đam mê mỗi môn thể thao vua, bóng đá, như trước nữa.
19 năm sau kể từ ngày đó, những đứa trẻ sinh ra trong năm dê vàng ấy đều đã lớn và nhiều trong số đó đã theo chân bố mẹ và bạn bè có mặt ở tất cả những sân đấu, những cung thể thao của SEA Games 31.
Con trai của một người bạn tôi đã như thế, tranh thủ những khoảng thời gian rỗi rãi để xem những màn trình diễn thể dục dụng cụ ở nhà thi đấu Quần Ngựa (Hà Nội) gần nhà họ, và rồi bất cứ khi nào đi được, cả nhà lái xe đến sân Thiên Trường hoặc Việt Trì để theo dõi các trận bóng đá SEA Games.
Ông bạn bảo năm 2003 đã xem SEA Games ở Việt Nam khi con vừa mới chào đời thì 19 năm sau "phải cho nó đi xem cùng. Có mấy khi có một đại hội thể thao quốc tế lớn đến thế trên đất nước mình".
Niềm tự hào và sự háo hức của anh bạn cùng với cậu con trai có thể sẽ được rất nhiều người chia sẻ. Họ đã lấp đầy những khán đài của Thiên Trường, khiến chính cổ động viên các đội bóng nước ngoài ở đó cảm thấy xúc động, đã tạo ra những làn sóng cờ đỏ sao vàng ở sân Việt Trì trong những trận đấu của đội tuyển U23, nhưng cũng rất vô tư cổ vũ cho các đội bóng khác trong những trận đấu không có chúng ta.
Và Cẩm Phả trở thành một thánh địa của bóng đá nữ. Nhưng những khán đài của các sân đấu thể thao khác, từ điền kinh cho đến boxing cùng các môn võ, bóng chuyền, bóng rổ cũng như bơi đều đầy ắp khán giả hâm mộ, không ít trong số đó là người già và trẻ em.
Đối với nhà bạn tôi, việc đi xem các môn thể thao không chỉ đơn thuần là cách để ủng hộ SEA Games nước nhà mà còn là cách để bạn muốn con yêu thể thao hơn, chăm tập luyện hơn và sống một cách tích cực hơn.
Ngay cả khi những hành động từng bị nhiều người chỉ trích như ném những cuộn giấy vệ sinh ở sân Việt Trì trong một trận đấu dưới cơn mưa hay thổi kèn vuvuzela trong môn đấu võ cũng có những nét đáng yêu và ngây ngô.
Người hâm mộ của mình thực ra nhiệt tình, rất hiền, và sẽ thay đổi ngay nếu một hành động nào đó được cho là không phù hợp.
Chính họ đã đem lửa đến với những trận đấu thể thao, đã cổ vũ vô tư và nhiệt tình cho tất cả các vận động viên, đã đem đến một sức sống tuyệt diệu cho thể thao, đã tạo ra một cơn sốt thực sự không chỉ liên quan đến bóng đá.
Những thống kê sơ bộ cho thấy ở khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, lượng người xem đến đông hơn 20 lần so với những giải đấu khác. Khán giả đến sân trước từ 2 - 3 tiếng đồng hồ để lấy chỗ. Ở những nhà thi đấu địa phương, bãi xe đông kín và thậm chí một số khu thi đấu đã phải đóng cửa không nhận thêm người nữa vì đã quá tải.
Không ngạc nhiên khi báo chí các nước Đông Nam Á đã ca ngợi đây là một SEA Games hừng hực sức sống. Nhiều phóng viên nước ngoài cảm thấy ngỡ ngàng vì được thấy một bầu không khí khác thường trên các khán đài, không giống như các SEA Games trước ở các nước khác.
Khán giả chính là nguồn cảm hứng lớn nhất của SEA Games, khi tình yêu thể thao và niềm tự hào dân tộc hòa làm một. Sau SEA Games 2003, người Việt đã quan tâm nhiều hơn đến thể thao.
Và rất mong rằng sau SEA Games lần này, các nhà hoạch định thể thao của chúng ta biết tận dụng lực đẩy từ sự cuồng nhiệt ấy để phát triển thể thao sâu và rộng hơn nữa trong cộng đồng thì rất tuyệt vời, để người Việt khỏe hơn, mạnh hơn, sống tích cực hơn. Thể thao, xét cho cùng, đâu chỉ vì những tấm huy chương.
Theo Tuổi trẻ