Kiểm soát cơn giận khi phạt trẻ
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:28, 22/05/2022
Thời gian qua, nhiều trường hợp con trẻ bị chính cha mẹ đánh đập, xử phạt, gây ra hậu quả đau lòng. Các chuyên gia giáo dục cho rằng xử phạt là một biện pháp giáo dục cần thiết khi trẻ mắc lỗi nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng.
Uốn nắn chứ không phải trừng phạt
Trong chương trình "Chuyện nhà" của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em với chủ đề "Khi nào cha mẹ cần phạt trẻ", PGS-TS Phạm Mạnh Hà, giảng viên Khoa Quản lý giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, cho rằng dạy con là cả quá trình vừa dạy vừa dỗ, uốn nắn và tìm những phương pháp giáo dục tích cực, phù hợp với trẻ.
Theo PGS-TS Phạm Mạnh Hà, người Việt có câu "Thương cho roi cho vọt/ghét cho ngọt cho bùi" và xem việc phạt đồng nghĩa với đánh đập. Chúng ta phải khẳng định một điều là trong quá trình nuôi dạy con cái, nếu nói rằng người lớn không phạt hay không dùng biện pháp mạnh để uốn nắn, dạy dỗ con trưởng thành là không có thật.
"Chắc chắn trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ gặp phải những vấn đề về hành vi. Trẻ có nhu cầu được cha mẹ và những người xung quanh chỉ bảo đâu là đúng, đâu là sai để uốn nắn cho chuẩn. Vì thế, chúng ta phải hiểu rằng phạt ở đây là uốn nắn và giáo dục cho trẻ hiểu đâu là điều được làm, nên làm và đâu là điều không được phép làm" - PGS-TS Phạm Mạnh Hà phân tích.
Người mẹ dễ uốn nắn, dạy dỗ khi thấu hiểu và đồng hành với con. Ảnh: BẢO LÂM
Đừng để "quá căng"
Không có vợ chồng nào không phạt con, vấn đề là phạt như thế nào cho văn minh, khoa học và hiệu quả. Vậy phụ huynh cần cân nhắc đến những yếu tố gì khi áp dụng hành phạt đối với con?
Phụ huynh cần phải xác định điều gì nên phạt và điều gì không nên phạt. Nói cách khác, phụ huynh phải luôn nhớ những nguyên tắc nằm lòng trước khi có ý định phạt con. "Thứ nhất, phụ huynh đừng bao giờ phạt con trong cơn nóng giận bởi khi đó, chúng ta suy nghĩ không sáng suốt và bị cảm xúc chi phối, "cả giận mất khôn". Thứ hai, chúng ta không phạt con khi chưa nhắc nhở trẻ trước đó" - PGS-TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Quan điểm này được ThS Nguyễn Thị Tâm, chuyên gia tâm lý thuộc Công ty CP Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, đồng tình. Bà phân tích thêm: "Khi phát hiện con có mối quan hệ trên tình bạn, nhiều phụ huynh phát hoảng và dạy trẻ bằng đòn roi. Nhưng càng sử dụng bạo lực thì con sẽ càng tổn thương, trơ lỳ. Vấn đề là phải dạy cho con khôn ra, biết tự bảo vệ mình chứ không phải kiểm soát hay cấm cản".
Các chuyên gia cũng lưu ý phụ huynh phải nhắc nhở con em mình ít nhất 1-2 lần trước khi áp dụng hình phạt. Trong từ "dạy dỗ" có cả dạy và dỗ, nghĩa là phải biết nhẹ nhàng, mềm mỏng khuyên răn, tránh dồn ép trẻ đến chân tường.
Trong một khóa dạy về kỹ năng, TS tâm lý Đào Lê Hòa An yêu cầu người tham gia xiên một que nhọn qua quả bong bóng mà vẫn giữ cho nó không nổ. Điều này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, như thổi quả bong bóng vừa đủ chứ không quá căng, chọn vị trí xiên phù hợp, trong quá trình thực hiện phải thật khéo léo và không được nôn nóng.
TS Đào Lê Hòa An ví việc giáo dục con trẻ cũng như hành động xiên que nhọn qua quả bong bóng. Trong đó, quả bong bóng chính là con cái và que nhọn là cách hành xử của phụ huynh. Nếu tạo ra quá nhiều áp lực và dồn ép thì trẻ rất dễ có phản ứng "bùng nổ", gây nên hậu quả khôn lường.
Mẹ đồng hành với con
Theo PGS-TS Phạm Mạnh Hà, trong xã hội hiện đại, mọi thành viên gia đình đều bình đẳng, người vợ không chỉ làm công việc nội trợ mà còn có vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ con cái. Mẹ là người gần gũi, theo sát con. Vì vậy, có thể nói mẹ chính là người đồng hành với con trong quá trình trẻ phát triển.
Theo Người lao động