Ý định đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc của Apple ra sao?
Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 23/05/2022
Apple đã chia sẻ ý định với một số nhà sản xuất gia công của họ rằng muốn thúc đẩy sản xuất bên ngoài Trung Quốc, vì chính sách chống Covid nghiêm ngặt tại đây và các lý do khác, theo nguồn tin của Wall Street Journal.
Trong đó, Ấn Độ và Việt Nam - vốn là những địa điểm sản xuất chiếm tỷ trọng nhỏ sản lượng toàn cầu của hãng - đang được xem xét kỹ hơn như là nơi có thể gia tăng chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Những bên thảo luận với Apple về kế hoạch sản xuất cho biết Ấn Độ đang được xem xét tiếp theo vì được coi là quốc gia tương đồng nhất với Trung Quốc (dân số đông và chi phí thấp). Các nhà lắp ráp gồm Foxconn và Wistron đã thiết lập nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất iPhone chủ yếu cho thị trường này, nơi doanh số bán hàng của Apple đang tăng nhanh chóng.
Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, Ấn Độ đã sản xuất 3,1% iPhone trên thế giới vào năm ngoái và tỷ lệ này được dự báo tăng lên 6% đến 7% trong năm nay. Trung Quốc chiếm gần như tất cả phần còn lại. Vào tháng 4, Apple đã bắt đầu sản xuất iPhone 13 tại đây.
Các nhà phân tích và nhà cung cấp cho biết một vấn đề với Ấn Độ là các nhà lắp ráp Trung Quốc gặp khó trong việc mở rộng ở thị trường này vì quan hệ lạnh lùng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Vì vậy, họ cũng cân nhắc thêm đến Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Việt Nam giáp với Trung Quốc và đã là trung tâm sản xuất điện thoại thông minh cho Samsung. Luxshare Precision Industry cũng đã sản xuất tai nghe AirPods tại đây.
Trong trao đổi với các nhà đầu tư, lãnh đạo Luxshare cho biết một số khách hàng đã lo lắng về nguồn cung cấp điện và hạn chế vì đại dịch ở Trung Quốc. Luxshare không nêu đích danh khách hàng nhưng cho biết đã nhận được yêu cầu nhìn ra bên ngoài Trung Quốc khi thực hiện thiết lập sản xuất hàng loạt một sản phẩm mới, gọi là NPI. Trong giai đoạn này, các nhà thầu chuyển các bản thiết kế và nguyên mẫu sản phẩm một kế hoạch sản xuất chi tiết.
Apple đã nói với các đối tác sản xuất rằng họ muốn thực hiện nhiều NPI hơn bên ngoài Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, các địa điểm không phải ở Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng phát triển thành các trung tâm sản xuất quy mô lớn, thay vì chỉ sao chép các kế hoạch đã phát triển ở Trung Quốc.
Các nhà phân tích và nhà cung cấp cho biết những bước đi như vậy đòi hỏi sự đầu tư đáng kể của các nhà cung cấp. Điều này khiến họ không yên tâm vào thời điểm triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm bởi giá hàng hóa cao, cuộc chiến ở Ukraine và sự biến động của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên theo giới phân tích, hiện hơn 90% sản phẩm của Apple như iPhone, iPad và máy tính xách tay MacBook được sản xuất tại Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng sự phụ thuộc quá lớn vào nước này là rủi ro tiềm tàng trong bối cảnh xảy ra các xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Bất kỳ động thái nào của Apple - công ty lớn nhất của Mỹ tính theo giá trị vốn hóa thị trường - nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của các công ty phương Tây khác. Việc cân nhắc như vậy đã tăng lên khi Bắc Kinh không chỉ trích cuộc khủng hoảng Ukraine và phong tỏa chống dịch ở một số thành phố.
Người phát ngôn của Apple từ chối bình luận. Khi được hỏi về chuỗi cung ứng của Apple vào tháng 4, Giám đốc điều hành Tim Cook cho biết chuỗi cung ứng của họ mang tính toàn cầu và các sản phẩm được sản xuất ở khắp mọi nơi. "Chúng tôi tiếp tục xem xét việc tối ưu hóa", ông nói.
Apple đã tìm cách đa dạng hóa khỏi Trung Quốc trước khi Covid-19 lan rộng ra toàn cầu vào đầu năm 2020, nhưng kế hoạch bị ảnh hưởng do đại dịch. Hiện công ty bắt đầu vận động lại các hãng gia công cho mình về việc tìm cách xây dựng năng lực sản xuất mới ngoài Trung Quốc.
Các vụ phong tỏa ở Thượng Hải và các thành phố khác đã gây ra tắc nghẽn chuỗi cung ứng cho nhiều công ty phương Tây. Apple cảnh báo vào tháng 4 rằng dịch bệnh bùng phát có thể ảnh hưởng doanh số bán hàng lên tới 8 tỷ USD trong quý II.
Các hạn chế đi lại của Trung Quốc có nghĩa là Apple khó cử các giám đốc điều hành và kỹ sư đến nước này trong hai năm qua, khiến việc giám sát các điểm sản xuất trở nên khó khăn...
Ming-chi Kuo, Nhà phân tích chuỗi cung ứng tại TF International Securities, cho biết nhiều công ty phương Tây phải đối mặt với các vấn đề tương tự nhưng Apple có vị thế tốt hơn để thương lượng. "Chỉ một công ty như Apple mới có thể thúc đẩy sự thay đổi chuỗi cung ứng", ông nói.
Tuy nhiên, những người trong ngành cho biết nhiều lý do khiến Apple từ lâu đã xem Trung Quốc làm trung tâm sản xuất, bởi lực lượng lao động được đào tạo bài bản, chi phí thấp so với Mỹ và mạng lưới các nhà cung cấp linh kiện sâu rộng khó có thể thiết lập một sớm một chiều ở những nơi khác.
Ngoại trừ Ấn Độ, lực lượng lao động có trình độ ở Trung Quốc vượt quá toàn bộ dân số của nhiều quốc gia thay thế ở châu Á. Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với Apple để đảm bảo các nhà lắp ráp có đủ đất đai, lao động và nguồn linh kiện.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết hôm thứ năm (19/5) rằng Bắc Kinh muốn nước này trở thành điểm nóng cho đầu tư nước ngoài và sẽ hợp tác chặt chẽ với họ để đảm bảo các chính sách có thể dự đoán được.
Một lợi thế khác là Apple có thể bán nhiều điện thoại và máy tính sản xuất tại chỗ. Nước này thường chiếm khoảng một phần năm doanh số toàn cầu của hãng. "Với quy mô thị trường nội địa và hệ sinh thái sản xuất tốt, Trung Quốc sẽ ở vị trí dẫn đầu và xử lý nhiều công việc giá trị gia tăng hơn cho các công ty như Apple", một giám đốc điều hành liên quan đến chuỗi cung ứng của Apple cho biết.
Theo VnExpress