Tự tử - nỗi đau có được "báo trước"?
Xã hội - Ngày đăng : 07:42, 23/05/2022
Những vụ tự tử thường gây ra đau lòng cho những người thân
Nhiều người trẻ tự tử
Theo thống kê chưa đầy đủ của phóng viên, từ đầu năm đến nay, Hải Dương có 8 vụ tự tử hoặc nghi tự tử làm 11 người tử vong. Trong đó có 3 vụ nhảy cầu Hàn, 1 vụ nhảy cầu đường sắt Phú Lương (cùng TP Hải Dương), 1 vụ nhảy cầu Đáy (Gia Lộc), 1 vụ nhảy cầu Chanh (Ninh Giang), 1 vụ nhảy xuống sông Thái Bình đoạn qua huyện Cẩm Giàng và 1 vụ ở TP Chí Linh. Trong đó có nhiều nạn nhân là người trẻ tuổi.
Thương tâm nhất là vụ một phụ nữ ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) mất tích bất thường cùng 2 con nhỏ của mình. Sau 2 ngày tìm kiếm, sáng 10.5, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 3 mẹ con trên sông Thái Bình đoạn qua địa phương.
Cuối tháng 3 vừa qua, dư luận trong và ngoài tỉnh cũng xôn xao trước thông tin về 2 mẹ con tử vong tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh.
Mới đây nhất, chiều 11.5, lực lượng chức năng đã vớt được thi thể một thanh niên nghi nhảy cầu Chanh (Ninh Giang) tự tử.
Tại các địa phương có người tự tử, nghi tự tử, nhiều người cho rằng các trường hợp trên đều có dấu hiệu trầm cảm hoặc gặp khó khăn dẫn đến hành vi tiêu cực.
Tiêu biểu là vụ ở Cẩm Văn, nhiều người dân rất muốn biết nguyên nhân người mẹ trẻ tự tử, mang 2 con nhỏ theo mình. Một số người ở địa phương cho biết gia đình từ trước đến nay không có điều tiếng gì, hòa thuận êm ấm. Tuy nhiên cũng có dư luận cho rằng gia đình bất hoà vì chồng chị ngoại tình, gia đình chồng và chồng đối xử với chị không tốt. Chị muốn ly hôn và nuôi hai con nhưng chồng không đồng ý, muốn mỗi người nuôi 1 đứa. Vì quẫn trí nên chị này đã hành động dại dột, nhắn tin với gia đình có nội dung “tạm biệt”... Dư luận chỉ là dư luận, rất khó để phán xét.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Biên, Trưởng Khoa Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người có trên 20 năm công tác trong lĩnh vực thần kinh - tâm thần cho biết có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hành vi tự tử. Đó là các vấn đề về tâm lý khi đối diện với áp lực trong cuộc sống, các bệnh lý về tâm thần và tình trạng nghiện chất ma túy.
Theo bác sĩ Biên, các vấn đề về tâm lý khi đối diện với áp lực trong cuộc sống là do cấu trúc nhân cách của từng người quyết định. Người có khí chất mạnh mẽ sẽ vượt qua áp lực trong cuộc sống dễ dàng hơn và ngược lại, người có khí chất yếu dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực với nhiều tình huống như thi trượt, vỡ nợ, mất việc, thất tình, mất người thân…
Bệnh lý về tâm thần thường do trầm cảm, lo âu kéo dài dẫn đến loạn thần. Các bệnh nhân này thường lập kế hoạch cho việc tự tử kín đáo và chi tiết. Chính vì vậy, tỷ lệ tự tử thành cao và rất khó lường trước, có xu hướng muốn đưa người thân, nhất là con đi cùng vì sợ còn sống sẽ phải chịu khổ.
Nguyên nhân cuối cùng là tình trạng nghiện các chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp gây loạn thần ở mức độ mạnh. Các rối loạn tâm thần của người nghiện ma túy thường do ảo giác, hoang tưởng chi phối khiến người bệnh tự tử...
Làm sao để phòng ngừa?
Trong vụ việc ở Cẩm Văn cũng như một số vụ nghi tự tử khác trên địa bàn tỉnh, có thể thấy những người tự tử chưa được chia sẻ, giải tỏa tâm lý kịp thời mới dẫn đến hành vi tiêu cực. Hiện tượng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất cân bằng tâm lý trước những áp lực cuộc sống. Nếu những trường hợp trên được chia sẻ kịp thời có thể sẽ ngăn được những sự việc đau lòng.
Thời gian qua, các đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức một số mô hình như câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu, phụ nữ không sinh con thứ ba, liên thế hệ tự giúp nhau, thanh niên phát triển kinh tế… Nếu những mô hình trên được nhân rộng và hoạt động hiệu quả hơn, thu hút, quy tụ nhiều đối tượng như thanh niên, phụ nữ, nông dân… để những người này có cơ hội giải tỏa tâm lý, tham gia sôi nổi vào các hoạt động tích cực có thể sẽ bớt đi những tư tưởng, hành vi tiêu cực trong cuộc sống.
Theo bác sĩ Biên, trong các bệnh lý về tâm thần thì bệnh trầm cảm là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng tự sát. Trầm cảm là một rối loạn phức tạp và nghiêm trọng gây ra bởi sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh ở bộ não. Ở một số quốc gia phát triển, ví dụ như Thụy Điển đã quan tâm đào tạo các bác sĩ đa khoa phát hiện và điều trị bệnh trầm cảm tại cộng đồng, nhờ vậy số người tự tử giảm rõ rệt.
Một thực tế đáng buồn là ở Việt Nam những hiểu biết về bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm còn khá hạn chế, đôi lúc còn kỳ thị với người bệnh. Nhiều gia đình có người tự tử không muốn thông báo cho cơ quan chức năng nên việc thu thập, nghiên cứu thông tin cũng như cảnh báo về những trường hợp này còn hạn chế. Nhận thức về bệnh trầm cảm không được phổ biến rộng, dẫn đến nhiều gia đình có người trầm cảm nhưng không nhận biết, phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Biên, gia đình cần quan tâm phát hiện sớm biểu hiện của người bệnh trầm cảm như rối loạn ăn uống và giấc ngủ, cảm xúc trầm buồn, ít nói hoặc thất thường, dễ nổi cáu. Người bệnh trầm cảm thường tự ti, có suy nghĩ mình vô tích sự, kém cỏi so với bạn bè hay kỳ vọng của gia đình, nhà trường. Nhiều người bệnh cho rằng sẽ tốt hơn khi họ chết đi.
Trong các gia đình, nếu phát hiện người thân có thay đổi về tâm lý cần sớm đến các cơ sở y tế chuyên về thần kinh - tâm thần để được thăm khám, phát hiện và can thiệp kịp thời.
Ông Vũ Hồng Quân, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng việc ngăn chặn các vụ tự tử nói chung và những vụ tự tử có liên quan đến trẻ em, trẻ vị thành niên nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội. Gia đình, nhà trường, các cán bộ cơ sở cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trẻ và người dân để kịp thời động viên, chia sẻ. Các cấp, các ngành cần phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người để sớm phát hiện và ngăn ngừa tình trạng tự tử...
BÌNH AN