Hai người phụ nữ ám sát Tổng thống Mỹ bất thành chỉ trong 17 ngày
Tư liệu - Ngày đăng : 11:37, 23/05/2022
Sara Jane Moore trong tù vài tháng sau vụ ám sát bất thành Tổng thống Gerald Ford
Ngày 5.9.1975, Tổng thống Gerald Ford đã thoát khỏi một vụ ám sát trong gang tấc. Hôm đó, Lynette “Squeaky” Fromme bước lại gần tổng thống ở Sacramento, chĩa súng lục vào ông, nhưng lập tức bị một nhân viên Mật vụ quật xuống đất. “Nó không nổ. Có thể tin được không? Nó đã không nổ”, Fromme kêu lên tiếc nuối.
Nhưng chỉ 17 ngày sau, vào 22.9.1975, một người phụ nữ khác tên là Sara Jane Moore đã lặp lại âm mưu tương tự, ám sát Tổng thống Ford. Và lần này, súng của cô ta đã thực sự nổ.
Tuy nhiên, vào ngày hôm đó tại khách sạn St. Francis ở San Francisco, chỉ một vòng xoay nhỏ của số phận đã khiến Sara Jane Moore không thể thành công trong nỗ lực giết hại nhà lãnh đạo Mỹ. Khi Tổng thống Ford bước ra khỏi khách sạn, Moore nhắm súng vào ông từ khoảng cách hơn 12 mét. Ngay lúc cô ta bóp cò, một người đứng trong đám đông đã giật lấy khẩu súng, khiến viên đạn trượt mục tiêu.
Tổng thống Ford vẫy tay chào đám đông bên ngoài khách sạn St. Francis ở San Francisco, vài giây trước khi xảy ra vụ ám sát. Ảnh: Cơ quan Quản lý hồ sơ và lưu trữ quốc gia Mỹ
Tiếng súng nổ ở bức tường phía sau khiến Tổng thống Ford giật mình. Các nhân viên mật vụ lập tức kéo ông vào chiếc xe limousine và phóng đi.
Vụ ám sát thứ hai trong nửa tháng không giết được tổng thống, nhưng các mật vụ đã suýt làm được điều đó khi nằm đè lên ông trong chiếc limousine! “Tôi đang bị nghiến đến chết. Đây là xe bọc thép mà. Bỏ tôi ra”, ông Ford thở hổn hển dưới sàn chiếc limo.
Trong khi chiếc xe chở Tổng thống phóng nhanh đến nơi an toàn, khung cảnh tại khách sạn St. Francis trở nên hỗn loạn. Viên đạn bật ra khỏi bức tường đã trúng vào một tài xế taxi. Và người đàn ông đứng cạnh Sara Jane Moore đã hỗ trợ cảnh sát bắt ngay được hung thủ. Anh ta tên là Oliver Sipple, một cựu lính thủy đánh bộ bị thương.
Cảnh sát thẩm vấn Moore để tìm hiểu động cơ của cô ta, nhưng họ chỉ tìm được sự thất vọng. “Nếu tôi mang theo khẩu 44 [Magnum], tôi đã hạ được ông ta”, Moore nói.
Tổng thống Ford phản ứng ngay sau khi Sara Jane Moore nhả đạn về phía ông. Ảnh: Cơ quan Quản lý hồ sơ và lưu trữ quốc gia
Đặc vụ FBI Richard Vitamanti đồng ý với đánh giá của Sara Moore: “Cô ta sẽ có ít nhất một phát đạn vào đầu, thậm chí có thể tốt hơn, bởi cô ta đã luyện tập… Phát bắn của cô ta bị chệch khoảng 6 inch (15cm)".
“Tôi chưa bao giờ nhận được câu trả lời thỏa đáng từ Moore về lý do cô ta làm điều đó”, luật sư bào chữa công của Sara Jane Moore, James Hewitt cho biết.
Là một bà mẹ 45 tuổi làm nghề kế toán, Moore chắc chắn không phù hợp với hồ sơ của một sát thủ. Cô ta đã kết hôn cả thảy 5 lần, trong đó có cuộc hôn nhân với một bác sĩ và một giám đốc điều hành ở Hollywood. Moore cũng từng làm tình nguyện viên của một chương trình cứu trợ người đói.
Hồi nhỏ lớn lên ở Tây Virginia, Moore muốn theo đuổi nghiệp diễn xuất. Nhưng đến thập niên 1970, cô đã rơi vào một môi trường hoàn toàn khác khi tham gia phong trào cánh tả. Moore cũng trở thành một người cung cấp thông tin cho FBI (Cục điều tra liên bang Mỹ).
FBI yêu cầu Moore phải thâm nhập vào các tổ chức cấp tiến. Sau đó, 4 tháng trước khi vụ nổ súng xảy ra, FBI đã cắt đứt mối quan hệ với Moore, và cô bắt đầu tin rằng họ muốn cô phải chết.
“Dù sao thì tôi cũng sẽ ra đi. Nếu chính phủ định giết tôi, tôi sẽ ra một tuyên bố nào đó”, Sara Jane Moore nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1982.
Khung cảnh ngay sau khi Sara Jane Moore nổ súng về phía tổng thống
Đến năm 2007, Moore mới có cái nhìn khác về hành động của mình. “Tôi nghĩ tôi hành động hoàn toàn vì adrenaline (loại hoóc-môn có tác dụng lên thần kinh giao cảm) và không suy nghĩ được rõ ràng. Tôi vẫn nói rằng tôi đã bị che mắt và chỉ nghe những gì tôi muốn nghe”, Moore giải thích trong một cuộc phỏng vấn.
“Tôi có xin lỗi vì hành động đó không ư? Có và không”, Sara Jane Moore nói trong phiên tòa tuyên án. “Có, bởi vì hành động đó đã không đạt được kết quả gì ngoại trừ việc vứt bỏ phần còn lại của cuộc đời tôi. Và, không, tôi không xin lỗi vì tôi đã cố gắng… bởi vì vào thời điểm đó, đấy dường như là một biểu hiện chính xác cho sự tức giận của tôi”.
Khi nổ súng nhắm vào Tổng thống Ford, Sara Jane Moore tin rằng chính phủ đã lên kế hoạch giết hại những người cánh tả. Trước đó, vào sáng cùng ngày, Moore đã tìm cách liên lạc với các nhân viên Mật vụ của tổng thống qua điện thoại tới 5 lần. Cảnh sát ập tới thu giữ khẩu Magnus 44 của Moore và buộc tội cô mang vũ khí trái phép. Nhưng họ lại thả Moore đủ sớm để cô ta kịp mua một khẩu súng khác, sau đó giấu nó đứng trong đám đông bên ngoài khách sạn St. Francis.
Các nhà chức trách bắt Moore sau vụ nổ súng và tống lên xe đưa đi
Trong phiên tòa xét xử, Moore đã nhận tội, không nghe theo lời khuyên của luật sư. Cô ta bị kết án tù chung thân.
Từ trong tù, Moore khai rằng một nhân viên chính phủ đã đi cùng cô đến đại lý súng để mua khẩu súng lục dùng để bắn Tổng thống Ford. Moore cũng tuyên bố Sở cảnh sát San Francisco đã tống tiền cô.
Moore cho biết sau âm mưu ám sát của Fromme, cô định hủy bỏ kế hoạch của mình vì cho rằng hàng rào an ninh xung quanh ông chủ Nhà Trắng sẽ được siết chặt. Nhưng Moore đã nhầm, cô ta có thể tiếp cận gần để suýt giết được tổng thống.
Sara Jane Moore và Squeaky Fromme đã phải bóc lịch nhiều năm trong cùng một trại giam ở Tây Virginia. Sau khi chấp hành bản án chung thân 32 năm, Moore được ân xá. Năm 2007, nhà chức trách trả tự do cho cô khỏi nhà tù. Fromme ra tù hai năm sau đó. Tuy nhiên, Tổng thống Ford đã qua đời một năm trước khi Moore được trả tự do.
Sara Jane Moore trên đường đến tòa án vào tháng 10.1975
Sau khi được ân xá, Moore giải thích động cơ của mình trên chương trình Today. “Đó là khoảng thời gian mà mọi người không còn nhớ. Bạn biết đấy chúng ta đã trải qua một cuộc chiến, cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi đã bị đắm chìm trong nó" - Sara Jane Moore giải thích - “Chúng tôi cho rằng đất nước cần phải thay đổi. Cách duy nhất để thay đổi là một cuộc cách mạng bạo lực. Tôi thực sự nghĩ rằng [bắn Ford] có thể kích hoạt cuộc cách mạng mới ở đất nước này. "
Bất kể động cơ của người phụ nữ ấy là gì, vụ ám sát bất thành đã khiến Moore phải ngồi tù hơn ba thập kỷ. Và nếu Sara Jane Moore không bắn trượt mục tiêu chỉ trong gang tấc, cô ta sẽ đi vào lịch sử với tư cách là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất ám sát tổng thống trong lịch sử nước Mỹ.
Theo báo Tin tức