20% giáo viên khẳng định dạy học trực tuyến không hiệu quả
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:20, 24/05/2022
Học sinh học trực tuyến trong giai đoạn nghỉ vì dịch COVID-19
Có khoảng 20% giáo viên cho rằng dạy học trực tuyến không hiệu quả trong khi tỷ lệ giáo viên cho rằng dạy học trực tuyến chỉ tương đối hiệu quả là trên 65%.
Đây là kết quả rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, nhất là học sinh tiểu học được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ trong bản báo cáo gửi Quốc hội.
Theo báo cáo, việc khảo sát được Bộ Giáo dục và Đà tạo thực hiện trong 4 ngày, từ ngày 24 đến 28.2 ở các địa phương đại diện những nơi có điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình trong cả nước. Quy mô khảo với 5.175 cán bộ quản lý, 95.359 giáo viên và 341.830 học sinh của các tỉnh tổ chức dạy học trực tuyến của các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Thiếu thiết bị, nhiều rào cản
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm học 2021-2022, hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đã phải triển khai dạy và học trực tuyến, dạy và học qua truyền hình trong những giai đoạn dịch bùng phát căng thẳng; trong đó có nhiều địa phương học sinh phải học trực tuyến gần hết cả năm học.
Kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy khó khăn nhiều nhất mà các trường gặp phải là thiếu thiết bị cho dạy học trực tuyến (31,6%) và thiếu sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức, ban ngành (29,4%).
Tuy nhiên, phần lớn cán bộ quản lý tham gia khảo sát cho rằng nhà trường ít gặp khó khăn hoặc không gặp khó khăn về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kỹ năng quản lý về dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình và kỹ năng sư phạm của giáo viên trong dạy học trực tuyến.
Học sinh thiết thiết bị học tập được trao tặng máy tính để học trực tuyến
Có 59,6% cán bộ quản lý tham gia khảo sát cho rằng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình là kịp thời, giúp tháo gỡ khó khăn trong thực tế triển khai công tác giảng dạy tại nhà trường.
Kết quả khảo sát xét theo cấp học cũng cho thấy trường tiểu học gặp khó khăn hơn so với các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở các vấn đề: Nguồn học liệu; thiết bị dạy học; hạ tầng kỹ thuật công nghệ; kỹ năng công nghệ thông của giáo viên và học sinh; kỹ năng sư phạm trong dạy học trực tuyến của giáo viên.
Đặc biệt, các trường tiểu học ở khu vực nông thôn, vùng sâu/xa/hải đảo gặp nhiều khó khăn về chính sách khuyến khích, động viên đối với giáo viên trong dạy học trực tuyến cũng như thiếu sự phối hợp hiệu quả từ phía cha mẹ học sinh và sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức, ban, ngành.
Ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý
Theo kết quả khảo sát, có khoảng 40% giáo viên gặp khó khăn về thiết bị và đường truyền Internet; 35% giáo viên thiếu học liệu dạy học trực tuyến; 42,6%giáo viên gặp các vấn đề sức khỏe và 37,2%giáo viên gặp vấn đề về tâm lý; 43% giáo viên gặp khó khăn khi học sinh không hợp tác trong quá trình học trực tuyến và 35,5% giáo viên gặp khó khăn khi cha mẹ học sinh không hỗ trợ, hợp tác.
Kết quả khảo sát ảnh hưởng của việc dạy trực tuyến đối với giáo viên.
Thống kê cũng cho thấy có sự khác biệt giữa các cấp học. Giáo viên ở các cấp học thấp hơn thường gặp khó khăn hơn trong các vấn đề như thiếu học liệu, thiếu thiết bị, chưa được động viên, khuyến khích kịp thời và thiếu sự hỗ trợ, hợp tác của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, giáo viên ở bậc học thấp hơn ít gặp vấn đề về sự hợp tác của họ sinh trong quá trình dạy học trực tuyến.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này có thể lý giải bởi sự đầu tư của nhà trường, gia đình cho con em có sự khác biệt ở cấp học cao hơn. Học sinh ở cấp học cao hơn có khả năng tự chủ hơn nhưng đồng thời có thể không tuân theo những hướng dẫn, quy định của giáo viên và nhà trường nhiều hơn.
Kết quả khảo sát đối với học sinh cho thấy các em gặp một số khó khăn phổ biến sau trong quá trình học tập trực tuyến: 44,9% học sinh được hỏi cho rằng các bạn hay nhắn tin trao đổi trong khi học;35,5% học sinh không có phòng học riêng và 38,4% học sinh bị ảnh hưởng tiếng ồn xung quanh khi học trực tuyến; 35,5% học sinh thường xuyên nghe không rõ tiếng thầy/cô giảng bài vì nhiều lý do.
Có khoảng 20% học sinh cho rằng mình không nhận được sự hỗ trợ học tập khi cần; 23,4% học sinh phải tham gia một số việc khác của gia đình trong lúc học và 26,5% học sinh gặp khó khăn trong việc giao tiếp với thầy/cô dưới hình thức trực tuyến.
Cũng theo kết quả khảo sát, có 45% học sinh gặp vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến như mỏi mắt, đau cổ, ù tai… Theo nhận định của các giáo viên, học tập trực tuyến có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lý, tình cảm, khả năng phát triển các kỹ năng xã hội của học sinh là khá cao, với tỷ lệ từ 62-77%, mức độ ảnh hưởng tăng dần từ cấp tiểu học lên đến trung học phổ thông.
Với nhiều ảnh hưởng như trên, giáo viên ở các cấp học đều cho rằng dạy học trực tuyến chỉ tương đối hiệu quả đối với học sinh (tỷ lệ giáo viên các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đồng ý với mức độ này lần lượt là 64,4%; 65,5%; 65,1%), trong khi tỷ lệ giáo viên các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cho rằng dạy học trực tuyến không hiệu quả lần lượt là 20,9%; 19,8% và 21,2%.
Với việc học qua truyền hình, tỷ lệ học sinh bỏ trống không có nhận định gì lên tới 71,8% (đối với học sinh tiểu học); 72,3% (đối với học sinh trung học cơ sở) và 71,8% (đối với học sinh trung học phổ thông). Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay điều này có thể được lý giải bởi tỷ lệ học sinh học qua truyền hình tương đối thấp.
Trong số các học sinh đánh giá, tỷ lệ tự đánh giá việc học qua truyền hình từ tương đối hiệu quả đến rất hiệu quả là 81,4% (tiểu học); 80,6% (trung học cơ sở); 74,6% (trung học phổ thông). Tỷ lệ này cho thấy việc học qua truyền hình vẫn là một giải pháp hiệu quả trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt đối với những nơi không có đủ điều kiện dạy học trực tuyến.
Để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của việc dạy và học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay đã triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ trang thiết bị, cung cấp các phần mềm dạy và học trực tuyến, chỉ đạo phân loại đối tượng học sinh để có kế hoạch bổ sung kiến thức phù hợp sau khi học sinh đi học trực tiếp trở lại. Hiện các nhà trường đang trong giai đoạn kiểm tra đánh giá cuối kỳ và chuẩn bị kết thúc năm học 2021-2022.
Theo Vietnam+