Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:40, 25/05/2022

Hiện nay, các trường THPT và cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp đang thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025".

Hiện nay, các trường THPT và cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp đang thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025". Theo đề án, học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 sẽ được học chương trình ngoại ngữ phổ thông 10 năm, chủ yếu là tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác. Theo tiêu chí xác định 6 bậc do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu đã ban hành (gọi tắt là KNLNN), khi tốt nghiệp tiểu học các em phải đạt trình độ bậc 1, tốt nghiệp THCS phải đạt trình độ bậc 2, tốt nghiệp THPT phải đạt trình độ bậc 3. Đây là một yêu cầu cao vì việc học ngoại ngữ đòi hỏi phải đạt được 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết tương ứng với các tiêu chí của KNLNN.

Từ thực tế cho thấy việc học ngoại ngữ của nhiều học sinh hiện nay còn rất nhiều hạn chế về cả 4 kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa trang bị một môi trường để các em có thể thực hành ngay sau giờ học; chưa có biện pháp phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy tinh thần chủ động học hỏi của các em. Các tiết học chủ yếu là ngữ pháp, đọc hiểu phục vụ cho việc thi cử nên nhiều học sinh cảm thấy chán nản, áp lực. Học sinh chưa có điều kiện, cơ hội để áp dụng kiến thức được học vào thực tế nên nhiều em tuy điểm thi tiếng Anh cao nhưng khả năng nghe, nói lại rất kém hoặc không dám giao tiếp khi gặp người nước ngoài.

Để khắc phục những hạn chế trên, bên cạnh việc thay đổi chính sách, phương pháp giảng dạy cần thay đổi nhận thức của giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh về việc học ngoại ngữ. Học ngoại ngữ là phục vụ cho việc giao tiếp, tiếp thu vốn tri thức, khoa học và công nghệ của các nước tiên tiến, hiện đại trên thế giới một cách chủ động, đáp ứng quá trình hội nhập toàn cầu. Tránh việc đổ xô đi học ngoại ngữ mà lại không thể giao tiếp, nghe hiểu. Các nhà trường cần đa dạng hóa phương pháp giảng dạy: dạy trên lớp, dạy theo tình huống, dạy kết hợp 4 kỹ năng, dạy trong lúc vui chơi; tạo cho học sinh tâm lý thoải mái để tiếp thu, tránh sự áp đặt, gò bó. Việc dạy ngoại ngữ cho học sinh cần chú trọng ngay từ cấp tiểu học.

Việc đầu tư kinh phí mua sắm các thiết bị dạy học hiện đại và các đồ dùng trực quan cũng cần được quan tâm hơn. Giáo viên nên sử dụng các đồ dùng trực quan hay hình ảnh tương ứng với nội dung của các từ để tạo cho học sinh có ấn tượng hình ảnh của từ mới, dễ nhớ, nhớ lâu và dễ ứng dụng hơn. Các trường, lớp cần tạo môi trường tập thể cùng học ngoại ngữ; lựa chọn những mẫu câu cơ bản, đơn giản và yêu cầu học sinh cả lớp cùng sử dụng khi gặp thầy cô, bạn bè trong cuộc sống hằng ngày. Các trường tổ chức các câu lạc bộ ngoại ngữ thu hút học sinh tham gia rèn luyện vốn ngoại ngữ thực hành, tổ chức các cuộc thi ngoại ngữ đa dạng các hình thức như: rung chuông vàng, thi viết, thi hùng biện... để khuyến khích tinh thần học hỏi của các em. 

Trong thời đại internet bùng nổ hiện nay,  ngoài việc học trên trường, học sinh cũng cần được khuyến khích tiếp cận các nội dung bằng tiếng nước ngoài dưới sự giám sát của phụ huynh, người thân trong gia đình. Việc cho các em tiếp xúc với ngoại ngữ từ sớm cũng cần dựa trên các nguồn kiến thức chính thống, xác thực, có khoa học để tránh việc làm sai lệch tư tưởng, nhận thức của các em...

PHƯƠNG LINH (Gia Lộc)