Điều tiết chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường bất động sản

Tin tức - Ngày đăng : 16:01, 25/05/2022

Đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ lo ngại về sự bất ổn của thị trường bất động sản hiện nay.

Đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị quản lý chặt chẽ các tập đoàn để tránh gây hậu quả nặng nề như một số trường hợp sai phạm trên thị trường chứng khoán được phát hiện trong thời gian vừa qua


Quản lý chặt các tập đoàn kinh tế

Sáng 25.5, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 3 khóa XV, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết này.


Tại phiên thảo luận tổ sáng nay, 4 đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tham gia đóng góp ý kiến.

Đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ lo ngại về sự bất ổn của thị trường bất động sản hiện nay khi giá đất tăng đột biến, nhiều người dân đổ xô đi đầu tư bất động sản. Đại biểu Lê Văn Hiệu cho rằng cần quan tâm điều tiết chính sách tiền tệ để góp phần bình ổn thị trường bất động sản; có đánh giá thận trọng, trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong chính sách tiền tệ liên quan đến bất động sản. 

Về chính sách pháp luật trong quản lý, điều hành các tập đoàn kinh tế lớn, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Hiệu cho biết cần quản lý chặt chẽ các tập đoàn để tránh gây hậu quả nặng nề như một số trường hợp sai phạm trên thị trường chứng khoán được phát hiện trong thời gian vừa qua. Phát hiện sớm, ngăn chặn nhanh các sai phạm để tránh gây xáo trộn dư luận. 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết sự chậm trễ trong triển khai công việc cũng là một lãng phí lớn

Thận trọng trong luân chuyển cán bộ

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận định sự chậm trễ trong triển khai công việc cũng là một lãng phí lớn, nhất là khi Chương trình phục hồi phát triển kinh tế có tính thời điểm rất quan trọng. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị đưa nội dung lãng phí thời gian vào khâu đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung còn chậm, khó áp dụng cũng gây lãng phí rất lớn. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ sự trăn trở về sự lãng phí trong sử dụng lao động và tổ chức bộ máy nhà nước và đề nghị cần thận trọng trong công tác luân chuyển cán bộ, bố trí cán bộ đúng chuyên môn để hạn chế việc phải học nhiều văn bằng, chứng chỉ.

Về lĩnh vực du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lo ngại hiện tượng "đồng phục hóa các vùng miền" làm mất bản sắc riêng, gây lãng phí tài nguyên du lịch. Ngành du lịch cần chú trọng nâng tầm giá trị thay vì chạy theo xu hướng du lịch giá rẻ. 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến về lĩnh vực du lịch

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đóng góp nhiều ý kiến về lĩnh vực du lịch. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng du lịch là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 và đã được nhận nhiều chính sách đặc biệt hỗ trợ phục hồi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn khi chưa thu hút nhiều khách du lịch quốc tế do xung đột giữa Nga và Ukraina và nhiều nước vẫn siết chặt công tác phòng chống dịch.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết tại TP Đà Nẵng mới có khoảng 800 doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại (tính đến hết quý I năm 2022), chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp du lịch năm 2019. Hiện nay, nguồn nhân lực cho ngành du lịch rất hạn chế, tuyển dụng gặp khó. Việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi du lịch còn chậm, chưa hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp và người lao động; nguồn lực đầu tư phục hồi du lịch còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận xét công tác thu giữ tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập


Phát biểu về Nghị quyết số 42/2017/QH14, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ làm rõ một số nội dung về tình hình thực hiện Nghị quyết này. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng kết quả đạt được từ Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhiều nhưng những hạn chế chưa được xử lý cũng nhiều do nhiều yếu tố. Công tác thu giữ tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập, việc thừa kế nghĩa vụ trả nợ của pháp nhân mới thành lập và pháp nhân cũ hiện nay còn chưa đồng bộ dẫn đến tranh chấp kéo dài tại tòa án. Việc nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ gặp nhiều khó khăn...

NGUYỄN CƯỜNG - PHẠM TUYẾT