Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần Nhà nước thống nhất quản lý về giá

Tin tức - Ngày đăng : 18:34, 25/05/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 25.5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết, cụ thể như về quản lý người hành nghề.

Theo đó, Luật quy định cấp chứng chỉ hành nghề theo đối tượng và văn bằng chuyên môn. Quy định này gây khó khăn cho các cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế vì trên thực tế không có sự thống nhất giữa cách ghi ngành đào tạo trong văn bằng chuyên môn. Một số văn bằng chuyên môn ghi ngành đào tạo không có trong đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật, nhưng vẫn đang làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và là đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề.

Đối với vấn đề về quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa bao phủ hết các loại hình tổ chức đã tồn tại trong thực tế hoặc mới phát sinh. Luật cũng chưa có giải pháp nhằm quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở, dẫn đến tình trạng thiếu sự liên thông trong theo dõi sức khỏe, tình trạng bệnh tật của người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật sửa đổi là rất cần thiết - ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, bố cục của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều, thêm 3 chương (chương VI, X, XI) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Để khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu trong phần sự cần thiết, trên cơ sở các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm".

Chú thích ảnh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật và thấy rằng, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án Luật.

Ủy ban Xã hội về cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, quy định về các chính sách, tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW (về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới), đặc biệt là các nội dung về giá dịch vụ y tế, về xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, về đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế và cần bảo đảm các chính sách nêu tại Điều này được thể hiện cụ thể tại các điều khoản trong Luật để có tính khả thi.

Về quy định liên quan chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ vai trò, chức năng, phạm vi hành nghề của 9 chức danh phải có Giấy phép hành nghề; tiếp tục rà soát để không bỏ sót các chức danh tham gia trực tiếp hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cần được cấp Giấy phép hành nghề. Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết việc thực hiện quy định liên quan đến y sỹ, đánh giá rõ vị trí, vai trò, hoạt động và sự phù hợp của chức danh này trong hệ thống y tế để có quy định phù hợp.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 91, theo bà Nguyễn Thúy Anh, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Nhiều ý kiến trong Ủy ban thống nhất với quy định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá nhưng cần bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân. Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong Ủy ban thấy rằng, cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh.

Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành, đảm bảo tính phù hợp, toàn diện và khả thi theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 10 - bà Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.

Theo TTXVN