Liệu NATO có loại Thổ Nhĩ Kỳ vì ngăn cản Phần Lan, Thụy Điển gia nhập
Tin tức - Ngày đăng : 17:31, 26/05/2022
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn việc bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Ankara cáo buộc hai nước có thái độ quá dễ dãi đối với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và phong trào Gülenist, hai nhóm mà nước này quy là tổ chức khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Stockholm và Helsinki “chứa chấp” các nghi phạm thuộc hai nhóm này, trong khi hai nước bác bỏ cáo buộc hỗ trợ chiến binh Kurd - PKK, vốn cũng bị Liên minh châu Âu coi là nhóm khủng bố, đồng thời từ chối dẫn độ bất kỳ nghi phạm nào theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình dường như đi vào bế tắc.
Sự phản đối của Ankara có thể cho thấy một thách thức thực sự đối với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh, vì hiệp ước thành lập NATO yêu cầu tất cả các thành viên khối cần phải nhất trí chấp nhận thành viên mới.
Vậy NATO sẽ phản ứng như thế nào trước một quốc gia thành viên đang một lần nữa chứng tỏ mình là một đồng minh bất cần, cứng rắn?
Liệu NATO có thể khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ?
Đây không phải là lần đầu tiên việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO được nhắc đến.
Ý tưởng này lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2016 khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thẳng tay trấn áp phe đối lập sau một cuộc đảo chính bất thành nhằm vào chính quyền của ông.
Sau đó, nó được đưa ra một lần nữa vào năm 2019 khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào đông bắc Syria. Các đồng minh NATO đã phản ứng gay gắt và lo ngại trước cuộc khủng hoảng nhân đạo diễn ra ở Syria khi đó. Những biện pháp trừng phạt mà Thuỵ Điển và Phần Lan áp đặt đối với Ankara đến nay vẫn tồn tại.
Vào thời điểm đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho rằng tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO nên bị đình chỉ nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd, nhóm đã trợ giúp Mỹ tiêu diệt khủng bố IS.
Nhưng Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định NATO không có lựa chọn đình chỉ hoặc khai trừ các thành viên. Tuy vậy, liên minh có khả năng làm điều gì đó có hậu quả tương tự khi một quốc gia thành viên liên tục vi phạm các nguyên tắc trong hiệp ước, như không bảo vệ được quyền tự do của người dân, nền dân chủ của đất nước và pháp quyền. Trong trường hợp đó, các thành viên NATO có thể nhất trí quyết định ngừng hỗ trợ đồng minh đó.
Nhưng liệu NATO có đi xa như vậy để phản ứng với việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối chấp thuận cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập?
Đối tác chiến lược
Nhà sử học Mỹ - Giáo sư Khoa học Chính trị Ronald Grigor Suny tại Đại học Michigan cho rằng rất khó có khả năng NATO sẽ thực hiện một động thái quyết liệt, xa lánh hoàn toàn một đồng minh chiến lược như Thổ Nhĩ Kỳ.
Giáo sư Suny nói với tạp chí Newsweek: “Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò mạnh mẽ đáng kinh ngạc trong suốt Chiến tranh Lạnh, và hiện tại là ở vị trí địa lý của họ. Việc Thổ Nhĩ Kỳ nằm dọc theo eo biển ở Anatolia, phía nam Nga và phía bắc của Trung Đông, đã khiến họ trở thành một đối tác chiến lược quan trọng hơn rất nhiều các quốc gia đông dân hơn hoặc có tầm quan trọng lớn hơn theo những khía cạnh khác."
Ông Suny cho rằng Tổng thống Erdogan nhận thức rõ giá trị mà Thổ Nhĩ Kỳ mang lại cho NATO và đang chơi lá bài này để có được thứ gì đó đổi lại tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển.
"Ông Erdogan không nghiêm túc về điều này”, Giáo sư Suny nhận định, "Tôi nghĩ rằng cuối cùng ông ấy sẽ đồng ý rằng Phần Lan và Thụy Điển nên là thành viên. Nhưng ông ấy sẽ đạt được điều gì đó từ nó, như có được một số vũ khí nhất định từ Mỹ, hoặc một số nhượng bộ."
Trả lời trong cuộc họp báo hôm 18.5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khối này đang liên hệ chặt chẽ với Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ về những lo ngại mà Ankara nêu ra đối với PKK.
"Tôi không nghĩ sẽ hữu ích nếu tôi đi vào chi tiết cụ thể của tất cả các cuộc trao đổi đó, nhưng tất nhiên chúng tôi đang giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ", ông Stoltenberg trả lời câu hỏi của một phóng viên. "Bởi vì khi một đồng minh quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra những lo ngại về an ninh, nêu ra vấn đề, thì tất nhiên, cách giải quyết duy nhất là ngồi lại và tìm cách tìm ra điểm chung và thỏa thuận về cách thức tiến bước tiếp”, lãnh đạo NATO nhấn mạnh.
Nga có được lợi từ sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ?
Việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO dường như có lợi cho những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin mong muốn, vì Điện Kremlin đã cảnh báo cả hai nước Bắc Âu không tham gia liên minh. Nhưng Giáo sư Suny nói rằng mối quan hệ đồng minh không mấy suôn sẻ trong lịch sử của ông Erdogan với người đồng cấp Putin không liên quan gì đến việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ chối hiện nay.
"Erdogan và Putin đều là những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa hiện thực. Họ không đa cảm về chính trị. Họ sẽ làm những gì cần thiết để nâng cao vị thế đất nước họ", ông Suny bình luận.
Theo Báo Tin tức