Minh bạch

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:00, 28/05/2022

Chỉ số chi phí không chính thức của các doanh nghiệp đã giảm xuống còn 41,4%. Đây là một trong những điểm sáng nổi bật trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 được công bố 1 tháng trước.

Chỉ số này của tỉnh đạt 7,24 điểm, cao nhất kể từ năm 2012. Những con số trên cho thấy nỗ lực của các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng trong việc thúc đẩy cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nhìn chung trên cả nước chi phí không chính thức tuy đã giảm song vẫn còn những hạn chế. Vẫn còn đó hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Theo báo cáo PCI năm 2021, trung bình cứ 10 doanh nghiệp thì 6 doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong hoạt động thanh tra xây dựng, cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Chi phí không chính thức là loại chi phí phát sinh khi doanh nghiệp giao dịch với cơ quan nhà nước để thực hiện quy định pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh. Chi phí này có thể tính bằng tiền hoặc dưới dạng tiêu tốn thời gian do bị gây khó khăn, làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp mà lẽ ra không đáng có. Chi phí không chính thức có thể khiến doanh nghiệp hủy bỏ những quyết định đầu tư, mở rộng quy mô, làm giảm hiệu quả trong thu hút đầu tư của các địa phương.

Cơ quan quản lý nhà nước gây phiền hà, khó khăn khiến doanh nghiệp phải “bôi” thì công việc mới “trơn”, hình thành tham nhũng hoặc tham nhũng “vặt”. Đó là một mặt, mặt còn lại là chi phí không chính thức do chính doanh nghiệp “tự nguyện” chi trả. Có thể gọi nôm na là chi phí đút lót của doanh nghiệp. Nổi cộm là vụ việc Việt Á “rải” tiền hoa hồng hàng trăm tỷ đồng trong đại án “thổi giá” kit test gây bức xúc dư luận thời gian qua. Ngoài Việt Á, chắc chắn sẽ còn những doanh nghiệp cũng "đi đêm" như vậy nhưng chưa bị phát hiện.

Cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh hòng tư lợi bất chính; doanh nghiệp thiếu năng lực, dùng vật chất, đồng tiền để mua chuộc cán bộ thoái hóa. Khi “cung-cầu” đó gặp nhau ắt nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Câu hỏi đặt ra là cán bộ cần bao nhiêu bản lĩnh để doanh nghiệp không thể "đi đêm"? Môi trường cần minh bạch thế nào để không còn chi phí không chính thức? Giải pháp bao trùm không chỉ nằm ở việc xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, mà còn ở việc thu hẹp, tiến tới xóa sạch “đất diễn” cho các loại chi phí này phát sinh.

Với phương châm “chính quyền phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp”, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực thời gian qua. Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn đó một số hạn chế cần sớm khắc phục. Để nâng cao hơn nữa tính minh bạch trong môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ chi phí không chính thức, tỉnh cần xây dựng, triển khai có hiệu quả nhiều kênh độc lập để người dân, doanh nghiệp tương tác, phản ánh những vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh hơn nữa số hóa trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng lộ trình sớm triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, sở, ngành (DDCI) nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện và sở, ngành.

Để loại bỏ tình trạng “đi đêm” của doanh nghiệp, cái gốc ở đây là công tác quản lý cán bộ. Từng cán bộ cũng cần hiểu rằng “lò lửa” chống tham nhũng luôn rực cháy. Những hành vi tiêu cực, tham nhũng không sớm thì muộn cũng sẽ bị phơi bày và phải trả giá. Tuy nhiên, "bẻ cành sâu, cành mọt" chỉ là giải pháp cuối cùng. Mỗi cán bộ cần thức tỉnh, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, tỉnh táo trước mọi sự cám dỗ vật chất.

“Giặc nội xâm” tham nhũng luôn ẩn hình, biến hình, ngày càng tinh vi, phức tạp và liều lĩnh hơn. Chỉ khi xóa sổ những loại chi phí nêu trên, môi trường đầu tư kinh doanh mới thực sự minh bạch, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mới thực sự hiệu quả.

SONG TƯỜNG