Thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Thanh Hà

Kinh tế - Ngày đăng : 18:02, 28/05/2022

Tại diễn đàn khuyến nông, các đại biểu, chuyên gia nông nghiệp đã thảo luận sôi nổi, bàn các giải pháp nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cả trong nước và xuất khẩu.

Các chuyên gia giải đáp những thắc mắc của người dân và bàn giải pháp nâng cao chất lượng, đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong và ngoài nước

Chiều 28.5, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông (TP Hải Dương), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm vải thiều Thanh Hà”. Diễn đàn có sự tham gia của gần 300 đại biểu là đại diện Sở NN-PTNT các TP Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh: Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên và Bắc Giang, chuyên gia nông nghiệp, HTX, người trồng vải trong và ngoài tỉnh.

Tại diễn đàn, các chuyên gia nông nghiệp đã giải đáp nhiều thắc mắc, ý kiến của người dân, doanh nghiệp, HTX về thực trạng sản xuất và tiêu thụ vải; một số giải pháp  thúc đẩy tiêu thụ vải. Theo đó, chuyên gia khuyến nghị cần tập trung xây dựng hạ tầng vùng sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm vải và các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; ứng dụng các công nghệ mới, nhất là công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, Isarel để bảo quản và xuất khẩu vải thiều sang các thị trường Nhật, Mỹ, Australia, Pháp…

Diễn đàn thu hút gần 300 đại biểu là chuyên gia nông nghiệp, HTX, người trồng vải trong và ngoài tỉnh tham gia

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng trao đổi, làm rõ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều trên địa bàn huyện Thanh Hà. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần duy trì sản xuất vải thiều xuất khẩu, mở rộng vùng trồng vải theo quy trình sản xuất hữu cơ, tiêu chuẩn quốc tế... Hằng năm, đánh giá và cấp chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, cấp mã số vùng trồng vải để truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho vải thiều. Chuyển đổi các vùng vải trồng xen giữa nhiều giống vải thành những vùng sản xuất cùng giống hoặc nhóm giống để thuận lợi trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Tập huấn cho cán bộ cơ sở, hộ nông dân tham gia vùng sản xuất vải nắm bắt được những tiêu chuẩn, quy định của các nước về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm vải thiều mà các nước nhập khẩu. Hướng dẫn nông dân tiếp cận công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ vải như: ghi chép nhật ký điện tử, quản lý và giám sát vùng trồng qua camera, cách tiếp cận và bán hàng trên sàn thương mại điện tử…

Công tác xúc tiến thương mại và tiêu thụ cũng cần được quan tâm. Đặc biệt là đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thành phố lớn, mời gọi doanh nghiệp xuất khẩu, chuỗi cửa hàng, siêu thị nông sản... Tiếp tục khai thác tốt các thị trường truyền thống trong và ngoài nước. Mở rộng sang các thị trường có giá trị cao như Nhật Bản, Australia, EU, các nước Trung Đông… Xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiệu quả, kết nối với những đối tác lớn, tiêu thụ lâu dài và ổn định cho vải thiều. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh với du lịch sinh thái miệt vườn trải nghiệm khi vào vụ thu hoạch vải thiều.

Toàn tỉnh hiện có hơn 8.900 ha vải thiều. Trong đó huyện Thanh Hà có 3.273 ha, Chí Linh có 3.434 ha, còn lại ở các địa phương khác. Năm nay, Hải Dương tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha. Ngoài ra có gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản. Vải Thanh Hà đã đạt nhiều chứng nhận, danh hiệu, giải thưởng như "Chỉ dẫn địa lý", "Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng", "Thương hiệu vàng", “Tinh hoa đặc sản 3 miền”...

TRẦN HIỀN