"Huy Cận là tay nào mà làm thơ hay quá!"
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 07:15, 29/05/2022
Nhà thơ Huy Cận lúc sinh thời kể khi Xuân Diệu học tú tài năm thứ ba thì ông học năm thứ nhất và hai người kết bạn với nhau. Tết Mậu Dần 1938, ông viết thư và gửi bài thơ Chiều xưa ra Hà Nội cho Xuân Diệu.
Xuân Diệu chép bài thơ rồi gửi theo đường bưu điện cho Thế Lữ. Đọc xong thấy hay Thế Lữ khen và hỏi Xuân Diệu:
- Huy Cận là tay nào mà làm thơ hay quá!
Xuân Diệu bảo Huy Cận là bạn. Thế Lữ liền hỏi là bạn sao không gửi thẳng cho ông mà lại phải viết thư. Xuân Diệu đáp ông muốn gửi thế để kiểm tra xem thử thơ có hay thật không. Và rồi trên Báo Ngày nay số Tết, bài thơ của Huy Cận được Thế Lữ xếp đăng cùng khung với bài "Cảm xúc" của Xuân Diệu.
Trong hồi ký của mình nhà thơ Huy Cận viết: "Tết năm ấy, Xuân Diệu điện cho tôi ra chơi. Tôi ra Hà Nội, Xuân Diệu đưa tôi đến Báo Ngày nay giới thiệu. Lần đầu tiên tôi gặp Khái Hưng, Nhất Linh. Nhất Linh bắt tay tôi và liền đọc bài thơ "Chiều xưa": "Buồn gieo theo gió veo hồ…" rồi anh khen và dặn tôi: "Thơ của anh hay lắm, rất là nền xưa mà lại rất hiện đại, câu thơ lục bát của anh rất hay. Về Huế, anh gửi thơ cho chúng tôi, chúng tôi sẽ đăng". Còn Khái Hưng thì cười niềm nở. Nhất Linh kể cho tôi nghe về Thăng Long xưa, ngàn năm văn vật, về những vết tích của thời xưa còn lại ở Thăng Long. Đó là lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với văn chương thời ấy - với Tự lực văn đoàn. Từ đó, họ rất quý tôi, đăng thơ tôi đều đặn trên báo Ngày nay và không ít người "ghen" với tôi".
Mùa thu 1940, trước khi in tập Lửa thiêng, cứ chiều thứ sáu hằng tuần, ngày báo ra, Huy Cận lại đến toà soạn Báo Ngày nay gặp mọi người và lấy báo biếu. Tuần ấy, báo đăng bài Tràng giang của ông. Đến chiều, khi đi học về, ông gặp nhà thơ Lưu Trọng Lư. Lưu Trọng Lư bảo: "Hôm nay cậu phải đi với mình. Thơ Tràng giang hay lắm! Cụ Ngô Tất Tố hỏi mình: "Huy Cận là thằng cha nào mà làm bài thơ hay thế! Bài thơ này hồn thơ Đường mà hay hơn thơ Đường". Hôm nay, Huy Cận phải đi với tôi, tôi chiêu đãi cậu, chiêu đãi bài thơ".
"Thế là chúng tôi đến hiệu phở Nghi Xuân nổi tiếng ở phố Hàng Quạt. Lưu Trọng Lư chiêu đãi tôi nhưng lại quên mang tiền (ông nổi tiếng là người lơ đãng), may mà tôi vừa được lĩnh học bổng… Và thế là, tôi lại được chiêu đãi Lưu Trọng Lư. Rất vui" - nhà thơ Huy Cận kể trong hồi ký của mình.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN (st)