Những thói quen nên tránh khi mua sắm
Đời sống - Ngày đăng : 13:18, 30/05/2022
1. Mua đồ ở phía ngoài cùng của kệ hàng
Đây có thể nói là thói quen phổ biến nhất của mọi khách hàng khi mua đồ tại các cửa hàng tự chọn. Tuy vậy, cần lưu ý rằng những món đồ được sắp xếp ngoài cùng thường là những món đồ có hạn sử dụng khá ngắn so với những món đồ được sắp xếp phía bên trong. Vì vậy, chọn mua những món đồ ở phía trong một chút có thể giúp bạn cất giữ và sử dụng được trong thời gian lâu hơn.
2. Không lập danh sách đồ cần mua
Các trung tâm mua sắm thường đánh vào tâm lí chưa có sự chuẩn bị của người mua, bày ra những món hàng bắt mắt để nhắm vào những quyết định trong thoáng chốc của khách hàng. Việc lên danh sách thực phẩm, đồ dùng cần mua không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian mua sắm mà còn giúp bạn không mua thiếu hoặc mua thừa quá nhiều đồ ăn vặt đắt tiền, hay những nguyên liệu thực phẩm hiếm khi dùng tới.
3. Đi mua sắm với chiếc bụng đói
Khi đói, bạn có nhu cầu mua sắm cao hơn bình thường vì lúc này trong mắt bạn, cái gì cũng ngon, cũng hấp dẫn, cũng khiến bạn thòm thèm. Theo nghiên cứu mới nhất, khi đi siêu thị nếu mua 1 miếng kẹo cao su, bạn sẽ ít bị cám dỗ trước hương vị hấp dẫn của món ăn, đặc biệt là những chiêu trò tiếp thị thực phẩm.
4. Dính bẫy “khuyến mãi”
Mặc dù các chương trình khuyến mại, giảm giá có thể là một món hời lớn với người mua, nhưng bạn cũng cần tránh việc quá sa đà vào những món hàng giá rẻ này để rồi mua phải những thứ không dùng đến. Hãy hỏi lại bản thân về mức độ cần của một sản phẩm nào đó trước khi quyết định lựa chọn, đồng thời hãy kiểm tra về chất lượng, hạn sử dụng của các món đồ bày bán nơi quầy giảm giá.
5. Mua đồ tích trữ
Nếu các trung tâm mua sắm ở gần, hãy cân nhắc đến đó mua đồ một cách thường xuyên hơn thay vì mua thực phẩm tích trữ cho thời gian dài. Điều này sẽ giúp bạn tránh lãng phí thực phẩm vì hỏng hóc do quá hạn.
6. Mua đồ với số lượng lớn
Một xu hướng chung của những nhà bán hàng hiện nay là đưa ra các chương trình ưu đãi khiến khách hàng chọn mua với số lượng lớn, điển hình là mua nhiều giảm nhiều hay mua nhiều tặng thêm sản phẩm. Chương trình này thoáng nghe qua có thể là một món hời lớn với người tiêu dùng nhưng trên thực tế, nếu mua quá nhiều và vượt quá nhu cầu sử dụng, đây lại vừa là một sự lãng phí, vừa là một sự tốn kém không cần thiết.
7. Chỉ mua đồ hiệu
Mặc dù việc sử dụng những món đồ hàng hiệu sẽ giúp bạn đảm bảo được độ chất lượng, an toàn của sản phẩm nhưng đôi lúc, bạn cũng nên thử tìm kiếm và tin dùng những nhãn hàng “bình dân” hơn một chút. Tìm ra những nhãn hàng đó, xác thực được chất lượng của sản phẩm và tin tưởng sử dụng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền không hề nhỏ.
Theo VOV