Bảo tàng tỉnh tự hào là nơi Bác Hồ đến thăm
Chính trị - Ngày đăng : 08:45, 31/05/2022
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Hải Dương tại Hội trường Tỉnh ủy, sau là trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Bảo tàng Hải Dương) ngày 31.5.1957
Tình cảm đặc biệt với Bác
Trên đường công tác từ Hải Phòng về Hà Nội, ngày 31.5.1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hải Dương. Về xã Ái Quốc, huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương), Bác vào thăm một số gia đình. Sau đó, tại hội trường Tỉnh ủy, Bác nói chuyện với hơn 400 đại biểu cán bộ khu, tỉnh, bộ đội và các tầng lớp nhân dân, căn dặn phải nâng cao ý chí phấn đấu và tinh thần đồng cam cộng khổ, luôn đoàn kết chặt chẽ, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế để củng cố miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Địa điểm này sau được xây dựng thành Trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1987, nơi đây được bàn giao cho Bảo tàng tỉnh. Sau thời gian sửa chữa, nâng cấp, năm 1990, Bảo tàng tỉnh chính thức đi vào hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: "Để tỏ lòng thành kính và ghi nhận sự kiện ý nghĩa về địa điểm này, năm 2000 mặc dù điều kiện còn hạn chế, Bảo tàng tỉnh quyết định bố trí không gian làm một chuyên đề trưng bày cố định có chủ đề Bác Hồ với Hải Dương".
Gian trưng bày được đặt trên tầng 2 của nhà trưng bày chính trong Bảo tàng tỉnh với diện tích gần 70 m2. Thông qua các tài liệu, hiện vật, Bảo tàng tỉnh cố gắng tái hiện đầy đủ nhất có thể toàn bộ 5 lần Bác về thăm Hải Dương, tình cảm của Bác với Hải Dương cũng như của cán bộ, nhân dân Hải Dương với Bác. Chuyên đề trưng bày hiện có 11 hiện vật, 22 tranh ảnh, tài liệu trực tiếp hoặc phục dựng liên quan đến Bác gắn với Hải Dương. Đặc biệt phải kể đến chiếc guồng nước Bác cùng đạp với nhân dân chống úng khi về thăm xã Hiệp Lực (Ninh Giang), bản phục chế lọ hoa có lưu bút của Hồ Chủ tịch ghi dòng chữ "Phải cố gắng tiến bộ" khi Người về thăm Nhà máy sứ Hải Dương ngày 26.7.1962; chiếc máy cấy Bác tặng Chi đoàn Thanh niên xã Phương Hưng (Gia Lộc) ngày 22.7.1960; sổ vàng ghi lưu niệm tại chùa Côn Sơn (Chí Linh) có chữ ký của Bác khi về thăm di tích ngày 15.2.1965...
Chị Lệ Thị Thủy Ngọc, cán bộ Bảo tàng tỉnh cho biết giới thiệu chuyên đề trưng bày về Bác là một trong những nội dung không thể thiếu đối với mỗi đoàn khách đến thăm Bảo tàng tỉnh, nhất là đối với các đoàn học sinh, sinh viên. "Mỗi khi đến chuyên đề giới thiệu về Bác, ai cũng xúc động. Khách tham quan nghe giới thiệu rất tập trung, dành tình cảm đặc biệt với Bác", chị Ngọc nói.
Trưng bày chuyên đề Bác Hồ với Hải Dương luôn để lại dấu ấn đậm nét đối với du khách khi đến tham quan Bảo tàng tỉnh. Trong ảnh: Du khách tham quan chiếc guồng nước Bác cùng đạp với nhân dân chống úng khi về thăm xã Hiệp Lực (Ninh Giang)
Phát huy giá trị
Những năm qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Bảo tàng tỉnh luôn tự hào nơi đây là một trong những địa điểm lưu dấu chân của Người, đồng thời luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa để phục vụ nhân dân và khách nước ngoài.
Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 50.000 tài liệu, hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau như đồng, gốm, đá, gỗ, giấy... Trong đó có bảo vật quốc gia trống đồng Hữu Chung thuộc văn hóa Đông Sơn, bộ sưu tập gốm Cù Lao Chàm, gốm Chu Đậu, súng thần công, tháp mộ Huyền Quang, mộ thuyền, mộ Hán...
Với nguồn tư liệu, hiện vật quý giá này, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày với nội dung phong phú, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, thu hút ngày càng đông khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghiên cứu. Đơn vị còn phối hợp một số bảo tàng các tỉnh, thành phố, nhà sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày các chuyên đề khác. Để nâng cao chất lượng phục vụ, Bảo tàng tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu của toàn bộ tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ và cung cấp thông tin song ngữ hoặc đa ngữ với chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho du khách trong và ngoài nước; ứng dụng công nghệ kỹ thuật 3D, triển lãm mang tính trực quan cao để kích thích trí tưởng tượng cho người xem.
Nhằm tăng sức hút tới du khách, nhất là đối với thiếu nhi, từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian như làm gốm, làm cốm, xay lúa, giã gạo, nhảy bao bố, bịt mắt đánh trống, chơi ô ăn quan, bắt chạch trong chum, đi cầu cạn. Vào các ngày lễ, Tết, đơn vị luôn có các chương trình đặc biệt hướng về nguồn cội như gói bánh chưng, làm bánh trôi, bánh chay...
Chị Nguyễn Cẩm Hà ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cho biết: "Trước đây, tôi phải đưa con đến các địa phương khác để tham gia những hoạt động trải nghiệm dành cho trẻ nhỏ. Bây giờ tôi luôn lựa chọn Bảo tàng tỉnh là điểm đến của các con vì có nhiều hoạt động vui, bổ ích, mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa xứ Đông".
Bảo tàng tỉnh đã và đang là điểm đến của nhiều người, có ý nghĩa giáo dục thiết thực về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc. Năm 2018, đơn vị thu hút 16.700 lượt người, trong đó có 14.500 lượt học sinh, sinh viên, tăng 8% so với năm 2017. Năm 2020, 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bảo tàng tỉnh vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch vừa có một số hoạt động phù hợp phục vụ nhân dân. Những tháng đầu năm 2022, khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, Bảo tàng tỉnh khôi phục lại các hoạt động, thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan.
DANH TRUNG - NGUYỄN TRƯỜNG