Giáo dục không trung thực thì cải cách mấy cũng bằng thừa
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 21:03, 01/06/2022
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung bày tỏ sự nhất trí và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn nhưng Đảng, Chính phủ và nhân dân đã sát cánh vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đặc biệt là vạch ra và từng bước xử lý nhiều sai phạm trong thị trường chứng khoán, đầu tư tiền ảo, đầu cơ bất động sản, những vụ việc liên quan y tế, giáo dục... Xuất phát từ đó, đại biểu cho rằng cần quan tâm, giải quyết trước tiên vấn đề lạm phát kinh tế và môi trường giáo dục để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Về vấn đề lạm phát, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần tập trung tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao bất hợp lý. Đồng thời, cần kiểm soát, hạ giá các dịch vụ công như xăng dầu, điện, nước vì giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát thời gian tới. Chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng. Về lâu dài, cần tính toán để giảm một số thuế, phí trong giá thành xăng dầu nhằm giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài. Khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm phụ thuộc nhập khẩu, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, góp phần giảm nguy cơ lạm phát.
Về vấn đề giáo dục và đào tạo, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng đây là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội. Một xã hội sẽ không phát triển nếu như thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt hay giáo dục mà không có giá trị trung thực thì có cải cách mấy cũng bằng thừa.
Bên cạnh đó, vấn đề học phí và đào tạo đang bất ổn từ nhiều khía cạnh khi nhiều trường, nhiều nơi tăng học phí và các khoản thu, một số nơi thì đang siết chặt đầu vào nhưng đầu ra lại buông lỏng. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng cần có giải pháp hạ học phí ở mức thấp nhất cho học sinh vì đây là trẻ em dưới 18 tuổi. Với bậc đại học, các trường nên thu hút ở đầu vào và siết chặt ở đầu ra nhưng thực tế lại đang thi tuyển khắt khe ở đầu vào còn đầu ra thì buông lỏng dẫn đến chất lượng không bảo đảm và không có sự sàng lọc.
Mặt khác, áp lực học tập từ nhà trường, gia đình là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ, trầm cảm và nhiều vấn đề tâm sinh lý khác ở học sinh, sinh viên. Tỷ lệ học sinh trầm cảm, tự kỷ và số vụ tự tử liên quan đến điểm số và thành tích đang không ngừng tăng dẫn đến sự thương tâm và kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội. Thực trạng này cho thấy việc học mà thiếu những mô hình trải nghiệm, ngoại khóa khiến giới trẻ thiếu vận động tự nhiên, gò bó trong áp lực, thành tích ảo, chỉ tiêu ảo do gia đình và nhà trường tạo ra. Cần xây dựng mô hình công cộng, không gian thiên nhiên nhiều hơn để giải tỏa áp lực đến nhà trường, kích thích khả năng tư duy sáng tạo và giải trí của giới trẻ.
PHẠM TUYẾT