Apple trong cuộc đua màn hình thông minh

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 06:19, 03/06/2022

Giới đam mê công nghệ đã đồn đoán từ nửa đầu năm 2021 rằng Apple sẽ tiến vào thị trường màn hình thông minh (smart display), một lĩnh vực đến nay vẫn do Amazon và Google thống trị với các sản phẩm như Echo Show 8 và Nest Hub.

Chú thích ảnh

Vấn đề là kể cả khi Apple thực sự ra mắt một sản phẩm như vậy vào cuối năm 2022, họ cũng tham gia cuộc chơi khá muộn. Nhưng đây không phải lần đầu tiên Apple chậm chân như vậy. Mùa Thu này sẽ đánh dấu tám năm kể từ khi chiếc loa thông minh Echo thế hệ thứ nhất của Amazon ra mắt và bảy năm sản phẩm này chính thức đến với thị trường phổ thông. Để so sánh, chiếc HomePod đầu tiên của Apple ra mắt vào tháng 2/2018, muộn hơn tới bốn năm sau Echo của Amazon.

Giới phân tích nhận định rằng mặc dù Apple tham gia muộn hơn nhưng "Táo khuyết" vẫn có thể tạo được chỗ đứng trên thị trường, dù người dùng có thể vẫn phải đợi thêm một hoặc hai năm nữa mới xuất hiện sản phẩm họ thực sự mong muốn.

Cuộc chiến đầy thử thách

Amazon và Google đã đi xa trước Apple đến mức họ không đơn thuần là những đối thủ Apple cần vượt qua, mà còn là những người tiên phong có lợi thế thời gian để giải quyết các vấn đề và thử nghiệm thêm tính năng cho sản phẩm của mình. Ví dụ, Amazon đã không sản xuất một smart display nào với màn hình tròn kể từ Echo Spot, một đặc điểm vốn không thân thiện với việc xem video hoặc xem văn bản. Sản phẩm của cả hai công ty đều đang sử dụng các giao diện ngày càng được sắp xếp hợp lý. Google thậm chí còn bổ sung tính năng theo dõi giấc ngủ với Nest Hub thế hệ thứ hai ra mắt hồi năm 2021.

Apple sẽ được hưởng lợi từ quá trình thử nghiệm này, nhưng bất kỳ công ty nào cũng nhất định mắc sai lầm khi ra mắt một loại sản phẩm mới. Song Apple có một lịch sử đặc biệt khi thường muốn bỏ qua các xu hướng phổ thông để tạo nên con đường riêng của mình. Khi HomePod ra mắt lần đầu tiên, Apple Music là dịch vụ âm nhạc duy nhất được phép sử dụng các lệnh Siri có sẵn. Đối mặt với áp lực của khách hàng, Apple giờ đây cho phép người dụng có các lựa chọn ứng dụng thay thế như Pandora và Deezer, nhưng người đăng ký Spotify vẫn không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng AirPlay.

Trong khi đó, Siri và HomeKit tiếp tục tụt hậu so với trợ lý ảo Alexa của Amazon và Google Assistant. Công nghệ ra lệnh bằng giọng nói của Alexa và Google Assistant đều có tốc độ phản hồi nhanh hơn và tốt hơn. Hai sản phẩm này cũng có tính linh hoạt hơn nhờ sự hỗ trợ từ hệ điều hành Android. Trong khi đó, các sản phẩm của Apple có thị phần thấp hơn, đồng nghĩa có ít phụ kiện tương thích hơn và chỉ hoạt động trên các nền tảng của "Táo khuyết".

"Trâu chậm" vẫn có thể "uống nước trong"

Dù thích đi đường riêng, Apple cũng không bỏ quên các vấn đề trong hệ sinh thái và lỗ hổng tính năng của mình. Cho tới nay, trợ lý ảo Siri và phần mềm của HomePod vẫn được tiếp tục phát triển.

Trong những năm gần đây, công ty đã bổ sung những tính năng như liên lạc nội bộ, cấu hình giọng nói cá nhân hóa và điều khiển Apple TV. Phần lớn những tính năng trên vẫn cần thời gian để bắt kịp với Alexa và Google Assistant, nhưng nhìn chung các sản phẩm HomePod có ít khiếm khuyết nghiêm trọng. Nếu Apple có thể "giảng hòa" với Spotify, đó sẽ là bước tiến dài hướng tới việc giúp sản phẩm của Apple trở nên cạnh tranh hơn.

Song song với đó, phiên bản ăn theo iOS là iPadOS - dù cố ý hay không - đã đặt nền móng cho một giao diện màn hình thông minh chất lượng cao. Ứng dụng điều khiển thiết bị nhà thông minh Apple Home cũng được phát triển để tận dụng tốt hơn màn hình có kích thước như máy tính bảng, trong khi các tiện ích ứng dụng cỡ lớn đã xuất hiện trên phiên bản iPadOS 15. Đó là lý do chính đưa iPad trở thành một xuất phát điểm hợp lý của Apple khi tiến vào thị trường màn hình thông minh.  

Một số nhà quan sát cho rằng iPad có thể vận hành như một màn hình thông minh đa chức năng, do đó Apple vẫn luôn ngần ngại phát triển riêng một sản phẩm có phần tương tự. Nhưng hệ sinh thái của Apple vẫn có chỗ cho một sản phẩm chuyên dụng như vậy vì một số lý do.

Đầu tiên, iPad không được thiết kế để cố định một nơi và cắm điện liên tục, vì vậy chúng không thể cung cấp trải nghiệm dùng đồ điện tử trong vô thức (ambient computing) như kỳ vọng. Tiếp đó, màn hình của một chiếc iPad sẽ không thể cao cấp như loại dùng cho màn hình thông minh đa năng hiệu suất cao. Như hiện tại, thậm chí chất lượng loa trong chiếc iPad Pro cũng kém hơn so với loa của Nest Hub do Google phát triển.

Cuối cùng, Apple có một lực lượng người hâm mộ vô cùng trung thành. Họ chắc chắn sẽ quan tâm đến bất cứ thiết bị nào nào vừa có thể tích hợp tốt hơn với hệ sinh thái điện tử của mình, vừa có cách tiếp cận thay thế sản phẩm của Amazon, Google hoặc Meta.  

Nhìn chung, tuy đến chậm và đối mặt với không ít thử thách từ những người đi trước, Apple vẫn có những ưu thế để tạo dựng vị thế riêng trên thị trường màn hình thông minh còn mới mẻ này.

Theo TTXVN