Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin: Hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:20, 03/06/2022
Chỉ với máy tính hoặc thiết bị di động thông minh, cán bộ truyền thanh cơ sở có thể lập lịch phát thanh tự động
Ưu điểm vượt trội
Cuối tháng 5.2021, khu vực xóm Gốc Mít ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) bùng phát ổ dịch Covid-19. Nhận chỉ đạo từ lãnh đạo cấp trên, anh Phạm Văn Triệu, Trưởng ĐTT phường đã khởi động hệ thống, phát thanh ngay trong đêm các nội dung văn bản liên quan đến phòng chống dịch tới người dân trong phường. Hệ thống quản lý truyền thanh qua internet, một công nghệ được ĐTT phường Trần Phú áp dụng thí điểm đã tỏ rõ hiệu quả khi đó.
“Khoảng 11 giờ đêm hôm ấy, do tính chất cấp bách của việc phòng chống dịch, 10 cụm loa truyền thanh của phường đã ngay lập tức thông báo tới người dân về việc xét nghiệm và khai báo y tế. Từ khi nhận văn bản chỉ đạo cho đến khi phát thanh chỉ mất chừng 10 phút. Nếu so với công nghệ truyền thanh hữu tuyến (có dây) cũ, thời gian được rút ngắn khoảng 3-4 lần”, anh Triệu chia sẻ.
Chúng tôi gặp anh Đặng Xuân Tuyên, Trưởng ĐTT xã Hồng Phong (Nam Sách) khi anh đang thiết lập lịch phát một số bản tin về bảo vệ môi trường, bảo hiểm xã hội… trên hệ thống quản lý truyền thanh qua internet. Anh Tuyên chia sẻ: “Thông qua nền tảng thông minh này, cán bộ truyền thanh có thể lập lịch cho đài phát tự động một cách dễ dàng, chỉ với chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet”.
Với công nghệ này, khi nhận văn bản hoặc nội dung cần tuyên truyền, cán bộ truyền thanh cơ sở sẽ truy cập tính năng biên tập nội dung trong hệ thống. Có thể lựa chọn hình thức chuyển đổi từ nội dung văn bản (dạng word) sang giọng nói hoặc thu tiếng trực tiếp thông qua micro. Sau đó chỉ cần lựa chọn ngày, giờ phát thanh để hệ thống phát tự động. Trong tình huống phát sinh, cán bộ truyền thanh có thể hủy lịch phát đã thiết lập trước đó rồi sử dụng tính năng phát trực tiếp.
Với hệ thống truyền thanh hữu tuyến trước đây, khi hỏng hoặc chập, cháy đường dây ở một điểm nào đó, hệ thống tăng âm đặt tại đài sẽ ngay lập tức bị dừng hoạt động; việc tìm điểm chập, cháy, hỏng tương đối khó khăn. Nhưng với công nghệ mới này, cụm loa nào bị hỏng, gặp sự cố sẽ được hệ thống định vị và thông báo cụ thể. Việc khắc phục, sửa chữa tiện lợi, nhanh chóng hơn.
Kể từ khi được tài trợ lắp đặt 2 mô hình điểm tại xã Hồng Phong và phường Trần Phú, nền tảng truyền thanh ứng dụng CNTT đã thể hiện rõ nhiều ưu điểm vượt trội. Không chỉ về thời gian tác nghiệp nhanh, dễ khắc phục sự cố, nhờ phương thức truyền dẫn âm thanh qua internet, việc quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa được cải thiện rõ rệt.
Hộp thu thanh qua internet lắp tại các cụm loa giúp quản lý tốt chất lượng âm thanh
Vướng kinh phí đầu tư
ĐTT phường Trần Phú và xã Hồng Phong là 2 đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Vingroup tài trợ triển khai thí điểm hệ thống quản lý truyền thanh qua internet từ năm 2020. Với công nghệ này, nội dung cần truyền thanh sẽ được gửi đến máy chủ hệ thống rồi truyền lên internet. Các cụm loa được gắn bộ thu thanh qua internet, trong đó một thiết bị sử dụng SIM (3G hoặc 4G) để kết nối mạng. Các ĐTT còn lại chủ yếu sử dụng 2 loại công nghệ truyền thanh cũ là hữu tuyến và qua sóng FM.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Đài Phát thanh huyện Nam Sách cho rằng đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động truyền thanh cơ sở mang lại nhiều hiệu quả. “Chất lượng truyền thanh được cải thiện rõ rệt theo hướng nhanh hơn, ổn định hơn. Cán bộ truyền thanh cơ sở chủ động hơn trong công tác tiếp âm cũng như quản lý nội dung truyền thanh. Chất lượng âm thanh được quản lý tới từng cụm loa cũng là ưu điểm mà công nghệ cũ khó sánh bằng”, ông Ngọc cho biết.
Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình ĐTT cơ sở ứng dụng CNTT đang gặp nhiều rào cản, trong đó lớn nhất là chi phí đầu tư. Để đầu tư một cụm loa gồm cột loa, 3 loa thành phần, hệ thống thu thanh qua internet sẽ tốn khoảng 40-50 triệu đồng. Mỗi ĐTT cơ sở thường có trên 10 cụm loa, nếu đầu tư đồng bộ sẽ mất hàng trăm triệu đồng.
Yếu tố nhân lực cũng là rào cản không nhỏ khi công nghệ mới đòi hỏi người sử dụng phải có kiến thức, kỹ năng, biết cách xử lý những tình huống phát sinh như lỗi hệ thống, máy tính bị “treo”, lỗi mạng…
Việc áp dụng CNTT trong hoạt động truyền thanh cơ sở được triển khai đồng bộ theo Quyết định 135/QĐ-TTg ngày 20.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thanh cơ sở trên ứng dụng CNTT). Ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Căn cứ theo Quyết định 135, tới đây sở sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động truyền thanh tại một số địa phương trên nguyên tắc làm ở địa phương nào sẽ đồng bộ ở địa phương đó, tận dụng tối đa các nguồn lực từ trung ương, địa phương và nguồn vốn xã hội hóa. Nghiên cứu, đầu tư theo giai đoạn, tận dụng hệ thống máy móc đã có để có thể vận hành song song với công nghệ mới".
Khi triển khai đồng bộ, nền tảng truyền thanh qua internet có thể do nhiều đơn vị cung cấp. Việc tương thích giữa các nền tảng này cũng là điều cần tính tới. Để bảo đảm kiểm soát nội dung phát thanh, thiết nghĩ tỉnh nên tính phương án trực tiếp quản lý máy chủ vận hành các nền tảng này, trong đó Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh có thể là một lựa chọn.
HÀ KIÊN