Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 11:12, 03/06/2022
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng kiểm tra mật độ muỗi ở những vật dụng chứa nước mưa lâu ngày- nơi mầm bệnh sốt xuất huyết đã lưu hành năm trước. Ảnh:Đức Thành
Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện dịch SXH dengue là rất cao bởi có cả yếu tố chủ quan và khách quan tác động.
Mật độ bọ gậy, muỗi vượt ngưỡng cảnh báo
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh có gần 100 ca SXH có yếu tố nội địa, tập trung tại huyện Cẩm Giàng, TP Hải Dương, còn lại ở các huyện Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang. Vừa qua, trung tâm thực hiện giám sát tại TP Hải Dương và huyện Cẩm Giàng cho thấy mật độ bọ gậy, muỗi đang vượt ngưỡng cảnh báo.
Thời tiết đầu hè khá mát mẻ kèm theo mưa rào khiến độ ẩm không khí cao, là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và góp phần rút ngắn thời gian vòng đời sinh trưởng. Nếu trước đây, chu kỳ bọ gậy nở thành muỗi kéo dài từ 7-14 ngày thì nay rút ngắn còn từ 8-10 ngày nên sinh ra nhiều muỗi hơn.
Ông Cao Xuân An, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm ký sinh trùng, côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Mầm bệnh SXH hiện nay đã lưu hành tại một số địa phương trong tỉnh, thêm vào đó thời tiết khá thuận lợi để dịch SXH có thể bùng phát. Dịch SXH xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10, cao điểm vào các tháng 5, 6, 7 và 8 nên cần chủ động các biện pháp phòng tránh".
Chủ động phòng chống
Giống như nhiều bệnh truyền nhiễm khác, SXH có thể phòng trừ nếu môi trường sống được vệ sinh sạch sẽ. Ý thức được điều đó, người dân và chính quyền địa phương, cơ sở y tế trong tỉnh đã chủ động nhiều biện pháp thực hiện.
Năm 2021, huyện Cẩm Giàng có nhiều ca mắc SXH nhất tỉnh, với gần 60 trường hợp. Vì thế, công tác giám sát, phòng chống dịch được chú trọng. Theo bà Phạm Thị Thời, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cán bộ trung tâm phối hợp cán bộ trạm y tế các xã, thị trấn thường xuyên giám sát ở những nơi đã từng có ca bệnh. Ngoài việc kiểm tra số lượng bọ gậy, muỗi để đánh giá tình hình, đưa ra cảnh báo, còn hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của người dân. UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... phối hợp ra quân thực hiện “Ngày thứ bảy xanh”, “Ngày chủ nhật tình nguyện” dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Bá Sơn ở thôn Phí Xá (xã Cẩm Hoàng) cho biết: "Năm trước gia đình tôi và một số hộ trong thôn có người bị SXH. Ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, năm nay chúng tôi chủ động vệ sinh sạch sẽ trong nhà, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, không tạo bóng tối cho muỗi trú ẩn. Môi trường sạch sẽ, muỗi không có nơi trú ẩn, góp phần giảm nguy cơ bùng phát dịch SXH".
Việc kiểm soát chặt các yếu tố dịch từ bên ngoài cũng được các địa phương nghiêm túc thực hiện. Chị Vũ Thị Tuyết, nhân viên Khoa Kiểm soát bệnh tật HIV-AIDS (Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện) cho biết: “Chúng tôi tăng cường giám sát người từ tỉnh khác đến địa phương, nhất là ở những nơi đang xuất hiện ổ dịch SXH để nắm bắt tình hình kịp thời. Nếu có người nhiễm bệnh sẽ thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định".
Đặc điểm của người mắc SXH là sốt cao, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng... nếu không được xử lý kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Vì thế, ngành y tế đã chủ động các biện pháp đối phó nếu xuất hiện các ca bệnh. Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh SXH. Củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị SXH” và “Đường dây điện thoại nóng phòng chống dịch SXH” tại các đơn vị khám chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Với sự chủ động của ngành y tế, sự phối hợp của người dân, hy vọng sẽ hạn chế được thấp nhất số người nhiễm SXH trên địa bàn tỉnh.
THANH HÀ