111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911-5.6.2022): Người về mang tới những mùa Xuân

Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 04/06/2022

Cách đây 111 năm, ngày 5.6.1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Admiral Latouche Tréville, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài suốt 30 năm.

“… Tôi đến Bến Nhà Rồng một chiều xuân nắng tỏa. Qua hàng dừa tóc xõa nhìn sóng nước xôn xao. Tiếng còi tầm ôi da diết làm sao. Tưởng con tàu rời xa bến năm nào…”. Mỗi khi tháng 6 về, những câu hát trong ca khúc Bến Nhà Rồng của nhạc sỹ Trần Hoàn lại vang lên nhắc nhớ đến một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, gắn liền với địa danh Bến cảng Nhà Rồng - nơi cách đây 111 năm, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Admiral Latouche Tréville, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài suốt 30 năm, để rồi sau đó đã mang về ánh sáng tự do cho dân tộc.

 “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước”

Trước cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của thực dân và phong kiến tay sai, nỗi thống khổ của nhân dân lao động, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm hình thành khát vọng tìm đường giải phóng dân tộc và có tầm nhìn độc lập, sáng tạo so với các bậc tiền bối. Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước, với một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (1). 

Và ngày 5.6.1911 với tên mới Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral La Touche De Tréville, rời bến cảng Nhà Rồng, khởi đầu một cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Mục đích của chuyến đi này, hơn 10 năm sau, năm 1923, Người đã trả lời nhà thơ, nhà báo Nga Ôxíp Manđenxtan: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm những gì ẩn dấu đằng sau những từ ấy...”. Một lần khác, trả lời nhà văn Mỹ Aana Luy Xơtơrông, Người nói: "Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau, ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này thì nghĩ là Nhật, người kia thì nghĩ là Anh, có người thì nghĩ là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi" (2).

Trong vòng 10 năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt Người đã dừng chân khá lâu ở Mỹ, Anh và Pháp. Người hòa mình vào cuộc sống của những người lao động, làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động, như: phụ bếp, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh, làm vườn, vẽ thuê... Nhà thơ Chế Lan Viên đã tả lại những khó khăn, vất vả này của Người qua những câu thơ: “Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê/Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá/Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ/ Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?” (Người đi tìm hình của nước).

30 năm - đó là một hành trình dài với biết bao gian khổ, thử thách mà Người đã trải qua với mục đích thiêng liêng, cao cả: “Tìm hình của Nước”. Hình của nước là “Thế đi đứng của toàn dân tộc”; là độc lập, tự do, là áo cơm, hạnh phúc của nhân dân. Lý tưởng ấy vượt lên tất cả những liên tưởng thông thường về không gian địa lý ("Một góc quê hương nửa đời quen thuộc"). Lý tưởng ấy cũng không phải là những mơ tưởng siêu hình trong sương khói xa xôi mà hiện hữu cụ thể, làm nên giá trị đời sống con người. Con đường của Hồ Chí Minh là con đường của chủ nghĩa nhân văn cao cả, phổ quát, hướng đến những quyền lợi căn bản mà tạo hóa đã ban cho tất cả mọi người trên toàn thế giới (như trong "Tuyên ngôn Độc lập" mà Người đã nhấn mạnh). Nhưng đó là một con đường chông gai, trải qua “lửa đỏ và nước lạnh”.

“Đây là con đường giải phóng chúng ta”

Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của Người. Đầu năm 1919, Người tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tuy bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã được lan truyền rộng rãi, gây tiếng vang lớn trong dư luận nước Pháp, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa; đồng thời cũng đem lại cho Người một nhận thức  là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức của chính mình.

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp Chủ nghĩa Mác-Lênin qua bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Luận cương của Lênin đến với Nguyễn Ái Quốc như một luồng ánh sáng mới soi rõ thêm con đường cứu nước mà người thanh niên yêu nước đang tìm kiếm. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Bác nói: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đến khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!" (3)

Với lập trường yêu nước đúng đắn, Người vạch ra chân lý :“muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Và “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Kết luận này khẳng định sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy của Nguyễn Ái Quốc, từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản - người đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21.6.1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng. Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ thông qua việc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925) và tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô...

Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3.2.1930, dưới sự chủ trì của Người, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam đã cơ bản được xác định.

Người về mang tới những mùa Xuân

Đầu năm 1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Người trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước

Tháng 8.1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tiếp đó, dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác - giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tích cực hội nhập quốc tế.

Những thắng lợi đó là minh chứng rõ ràng nhất về những giá trị to lớn, soi sáng, dẫn đường của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, thể hiện tầm vóc trí tuệ và bản lĩnh của Đảng ta trong việc vận dụng sáng tạo và bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng của Người không chỉ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà trong cả sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Theo TTXVN