Mùa hè kỳ diệu

Truyện ngắn - Ngày đăng : 05:35, 05/06/2022

Gia đình Phương ở làng Vạn Yên, một làng thuần nông thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Thời nay nếu chỉ trông vào ngọn lúa, củ khoai thì đủ ăn là may mắn lắm rồi, huống chi cha mẹ cô sinh những bốn đứa con.

Minh họa: HUY CHƯƠNG

Gia đình Phương ở làng Vạn Yên, một làng thuần nông thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Thời nay nếu chỉ trông vào ngọn lúa, củ khoai thì đủ ăn là may mắn lắm rồi, huống chi cha mẹ cô sinh những bốn đứa con. Phương là chị cả. Rất may mọi người trong nhà ai cũng chịu khó lam làm và có trách nhiệm, dưới bàn tay khéo léo của người mẹ nên đủ chi dùng. Ngày tốt nghiệp cấp 3, Phương không có ý định thi đại học. Sau lưng cô còn những ba đứa em. Phương thương bố mẹ vất vả lo cho các con ăn học. Phương muốn dành cửa trường đại học cho các em. Giờ các khu công nghiệp đã về tận làng. Công ty lúc nào cũng treo biển tuyển công nhân, Phương khỏi lo thất nghiệp. Phương sẽ đi làm giúp chia sẻ gánh nặng với bố mẹ. Phương mang ý định ấy nói chuyện với bố mẹ. Bố Phương bảo: “Bố mẹ cảm ơn sự hy sinh của con. Nhưng nếu như thế thì thiệt thòi 12 năm ăn học của con quá. Ngày nay nơi nào tuyển người đều đòi hỏi bằng cấp. Con yêu nghề nào thì cứ thi vào nghề ấy. Bố mẹ còn khỏe, còn đủ sức lo cho các con ăn học”. Nghe bố nói, Phương phần nào yên lòng. Cô thi vào đại học sư phạm. Đó là ngành Phương yêu thích. Kỳ thi năm ấy, Phương trúng tuyển với số điểm vừa đủ.

Trong khi hầu hết bạn bè của Phương có đầy đủ mọi điều kiện tốt để chuyên tâm vào học hành thì trong lòng Phương luôn ấp ủ một điều: “Làm thế nào phải vừa học vừa làm để bớt gánh nặng cho bố mẹ?”. Thế là từ đó ngoài giờ học tập Phương tranh thủ làm thêm. Vừa có thu nhập vừa trải nghiệm cuộc sống, Phương hiểu rằng kiếm được đồng tiền chân chính thật không dễ chút nào. Phương làm những công việc như rửa bát, chạy bàn cho các quán ăn, giải khát... Có sức khỏe Phương không nề hà bất cứ việc gì. Thi thoảng Phương mới dành ra một ngày về thăm gia đình. Áp lực học tập, áp lực cuộc sống lúc nào cũng đè nặng lên đôi vai cô. Mẹ Phương thương con bảo: “Dạo này con gầy đi nhiều đấy. Làm việc ít thôi. Bố mẹ sẽ cố gắng lo cho con đầy đủ để có sức khỏe học tập”.

Sang năm thứ hai các bạn cùng học đã yêu đương rối rít thì Phương lại không dám nghĩ tới. Năm học thứ ba lại trôi qua. Cũng như các mùa hè trước, Phương không về nghỉ hè mà ở lại thành phố làm gia sư. Nhưng năm nay có điều khác biệt xảy ra. Ấy là qua người quen, Phương được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh H. nhận về làm trợ giảng, thời hạn là ba tháng. Phương biết ở trung tâm bảo trợ người ta chia ra nhiều lớp cho trẻ khuyết tật và thiểu năng trí tuệ nên sẽ vừa dạy chữ vừa dạy kỹ năng sống.

Nói là trợ giảng chứ thật ra Phương được phân công phụ trách 1 lớp 1. Hầu hết các em đều bị thiểu năng trí tuệ ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, độ tuổi từ 7-10. Các con bắt đầu tập xa bố mẹ, tập tự làm những công việc đơn giản nhất. Nói đơn giản là nói với những đứa trẻ bình thường chứ đối với trẻ thiểu năng trí tuệ thì đó là một công việc vô cùng khó khăn. Từ một cô giáo dạy chữ, Phương kiêm nhiệm luôn cả dạy kỹ năng sống cho bọn trẻ. Cô gần như là một bảo mẫu. Phương dạy các con tự rửa mặt, tự thay áo quần đến việc quét nhà, gấp màn, đặt guốc dép cho đúng chỗ.

Dạy được một tuần, Phương nhận được một cuộc điện thoại của giám đốc trung tâm: “A lô, cô Phương phải không? Sáng mai cô nhận thêm một học sinh mới nhé. Đây là con một cô giáo ở huyện. Cháu lên bẩy tuổi, mắc bệnh tự kỷ. Cố gắng Phương nhé”. Phương khẽ “Dạ” một tiếng. Tuy vậy trong lòng Phương đầy lo lắng. Cô chưa có chút kinh nghiệm nào tiếp xúc với trẻ tự kỷ. Nhưng cô biết dạy một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ đã khó, dạy đứa trẻ tự kỷ còn khó hơn. Nhất là đối với một sinh viên vừa qua năm thứ ba như Phương. Vất vả thì Phương không ngại. Cô quen rồi. Có một lần cô giáo Phương đã nói về người tự kỷ: “Để biết và thân quen với người tự kỷ đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức”. Rồi những ngày tới sẽ ra sao? Liệu ba tháng hè Phương có giúp được gì cho cháu không? Ngoài trời hình như sắp mưa, mây đen vần vũ mà cái oi nồng của những ngày đầu hè không hề giảm bớt.

“Tên cháu là Hải, Nguyễn Minh Hải, con chị. Còn chị tên Liên”. Đó là lời tự giới thiệu của mẹ cháu Hải. Phương ngồi xuống ôm cậu bé: “Chào con trai”. Hải là một cậu bé đẹp trai, khuôn mặt sáng sủa nhưng không hề có biểu cảm gì. Đôi mắt nó rất sáng, trong veo. Nhưng ánh nhìn của nó lại như vô định xa xăm. Phương như bị hút vào đôi mắt ấy. Dẫu ánh mắt của nó không dành cho cô. Phương cứ nghĩ giá như trên khuôn mặt ấy điểm một nụ cười thì cậu bé thật tuyệt vời. Phương tự hứa sẽ mang tình yêu thương của mình để cảm hóa thiên thần bé nhỏ này. Phương làm quen: “Con tên gì?”. Phương phải nhắc tới lần thứ ba mới nhận được câu trả lời: “Con tên Hải”. Mẹ nó đứng cạnh nhắc con: “Hải đã chào cô giáo chưa?”. Cũng như Phương, mẹ nó phải nhắc mấy lần nó mới nói khẽ: “Con chào cô”. Nói xong, nó thờ ơ quay mặt đi nơi khác. Nó không hề biết, không hề nhận ra Phương đang muốn làm thân, đang muốn nói chuyện với nó nhiều hơn để chạm được vào thế giới riêng của nó, một thế giới như được bảo vệ vững chắc.

Phương dắt tay Hải vào lớp và đề nghị cả lớp đứng dậy hoan hô đón chào bạn mới. Tiếng vỗ tay lộp độp vang lên. Nó ngơ ngác. Phương dùng hai tay mình xoay mặt nó để cô trò đối diện nhau. Phương nói thật rõ ràng ngắn gọn: “Các bạn đang chào con”. Nó gật đầu. Phương bảo: “Con chào các bạn đi”. Nó nói: “Chào bạn”. Những ngày sau Phương tổ chức trò chơi cho các con, nó vẫn thế. Mỗi lần nó làm thành công, Phương nhắc cả lớp vỗ tay thì nó lại đi về chỗ ngồi của mình yên lặng. Phương xoa đầu nó, khen: “Con giỏi quá”. Phương phải nhắc nhở nó suốt thời gian học tập cũng như ra chơi. Mười ngày liên tục kèm cặp, Phương mới nhận được nụ cười hiếm hoi của nó. Khoảnh khắc nụ cười ấy như tặng riêng cho cô. Giữa sân trường xanh mát bóng cây, Phương thấy mắt nó long lanh niềm vui con trẻ. Lòng Phương tràn đầy hạnh phúc. Dẫu Phương biết rằng đây mới chỉ là bước đầu tiên của ngàn vạn bước sau.

So với các bạn cùng lớp, kỹ năng sống của Hải rất non kém. Đầu óc nó không tập trung nên chẳng hiểu cô giáo nói gì. Nó cũng chưa biết nhìn các bạn làm để làm theo. Thậm chí nó còn chưa biết vào lớp là phải chào cô giáo, chưa biết cảm ơn người khác. Một tháng đầu, Phương cố gắng tìm hiểu sở thích của Hải. Nó rất thích vẽ. Mỗi lần vẽ xong một cái gì đó nét mặt nó tỏ ra rất vui. Phương mua một hộp chì màu và tập giấy A4 cho nó tập vẽ vào những ngày nghỉ. “Con cảm ơn cô”. Lần đầu tiên Hải nói được một câu nhiều hơn ba từ. Phương còn bố trí một cậu bé cùng tuổi nhưng nhanh nhẹn hơn ngồi cạnh để kèm cặp nó.

Một tháng trôi qua, Hải đã nhớ và thực hành được một số việc đơn giản. Mỗi lần nó hoàn thành đều được các bạn vỗ tay và cô giáo tặng một ngôi sao đỏ. Nó tỏ ra rất thích. Phương cố gắng tìm mọi ưu điểm của nó để khen ngợi động viên. Mỗi ngày trôi qua là một ngày nó cười nhiều hơn. Rồi có lúc nó còn mách Phương có một bạn trêu nó. Những lời nhắc của Phương dành cho nó cũng bắt đầu giảm. Tuy vậy chưa khi nào Phương thấy nó bộc lộ tình cảm trước. “Làm quen với người tự kỷ đã khó, nâng lên mức tin cậy còn khó hơn” - lời cô giáo dạy Phương lại vang lên trong tâm trí cô. Để một người tự kỷ hòa nhập cộng đồng đòi hỏi phải có sự kiên trì. Không thể đốt cháy giai đoạn. Phương thấy nó đã tiến bộ, dù là rất ít, cô vẫn vui. Kể từ ngày Hải xuất hiện ở lớp, Phương rất hay suy nghĩ về nó. Yêu thương, vui buồn đan xen trong lòng cô. Đồng hành với người tự kỷ thật gian nan, nhưng Phương cũng cảm thấy thú vị, được trải nghiệm những điều đã học trong nhà trường. Niềm vui ấy tích cóp, chắt chiu từng phút từng giờ.

Chị Liên hiểu nỗi vất vả của người giáo viên dạy kỹ năng cho trẻ khuyết tật nên chị thường xuyên trao đổi với Phương. Thỉnh thoảng Phương lại chụp ảnh gửi cho chị, những lần Hải được tặng phần thưởng tuần... Chị Liên vui và phấn khởi. Bẩy năm trời sinh con và nuôi con, vợ chồng chị chưa lần nào được chứng kiến nụ cười đầy tươi trẻ trên đôi môi con. Chị bảo: “Mỗi lần nhìn vào tấm hình, chị ngập tràn hạnh phúc. Cảm ơn em nhiều lắm”.

Hợp đồng của Phương còn một tuần nữa là hết hạn. Phương sắp phải trở về trường sư phạm học nốt năm cuối cùng. Ông giám đốc trung tâm hứa: “Sang năm nếu chưa có đâu nhận thì xin mời cô Phương về đây dạy nhé”. Tự nhiên lòng Phương thấy bâng khuâng nhung nhớ. Phương nhớ các con. Ba tháng chỉ đủ cho cô trò làm quen và thuộc tính nết của nhau. Giờ là lúc cô trò phải xa nhau rồi. Đầu tiên là chị Liên, giọng chị như nghẹn lại: “Chị xin phép em cho cháu nghỉ học. Nghỉ hẳn em ạ. Chị đưa cháu về quê nội học chữ. Ông bà nội cháu cũng là nhà giáo sẽ kèm cặp cháu. Cảm ơn em trong ba tháng qua đã giúp chị. Cháu Hải giờ đã biết nhìn bố mẹ cười rồi, tuy vẫn còn ít. Tạm biệt em”. Phương thấy rưng rưng nơi khóe mắt: “Đã gần ba tháng rồi. Nhanh thật. Em chưa kịp dạy gì cho cháu”. Chị Liên bảo: “Em khiêm tốn quá. Anh chị biết ơn em nhiều lắm”. 

Một tối chị Liên gọi điện cho Phương: “Phương đấy hả em? Có khỏe không? Con trai muốn nói chuyện với cô giáo đấy”. Phương cuống quýt: “Vâng. Vâng. Chị đưa máy cho cháu đi. Em đang muốn nghe tiếng cháu nói đây”. Phương không phải chờ lâu, tiếng thằng Hải vang lên trong máy: “Con chào cô giáo. Con nhớ cô giáo nhiều lắm”. Phương hấp tấp mà quên mất rằng Hải là đứa trẻ tự kỷ: “Cô cũng nhớ con nhiều lắm. Cảm ơn con đã cho cô một mùa hè kỳ diệu. Chúc con vào năm học mới vui khỏe, học giỏi”. Tiếng tút tút tút liên tục báo đầu dây bên kia đã bỏ máy. Không sao cả. Thế là tuyệt vời lắm rồi. Hải đã biết bộc lộ tình cảm, biết nói được điều nó suy nghĩ và nói dài hơn ba từ. Chặng đường phía trước của nó còn rất nhiều gian nan. Phương hy vọng một ngày không xa nó sẽ trở thành một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác...   

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN