Học sinh "nói chuyện" bằng... ẩu đả
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 05/06/2022
Vụ việc trở nên ồn ào khi phụ huynh của nữ sinh này đã livestream “tố” việc con gái mình bị đánh.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý kịp thời, đúng quy định, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Đây không phải là vụ việc hy hữu về nạn bạo lực học đường. Gần đây, vụ ẩu đả giữa hai nữ sinh lớp 11 của một trường học tại Gia Lai cũng gây xôn xao dư luận. Chỉ vì bị nói “học giỏi kiêu ngạo với bạn bè”, nữ sinh này đã dùng dao cạo lông mày rạch trúng mặt nữ sinh kia.
Tại Hải Dương, nhiều vụ việc học sinh đánh nhau, tung cả clip lên mạng xã hội cũng khiến các nhà trường phải nhanh chóng tăng cường các biện pháp giáo dục, quản lý các em.
Bạo lực học đường vẫn luôn là câu chuyện nhức nhối trong suốt thời gian dài và là mối quan tâm của cả nhà trường, gia đình và xã hội. Tại một cuộc hội thảo năm 2019 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) phối hợp Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Cũng theo một số thống kê, khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì lý do này. Báo cáo của Liên hợp quốc cũng chỉ ra, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu em trai và 4 triệu em gái trực tiếp liên quan đến bạo lực học đường và con số này đang ngày một tăng cao ở tất cả những lớp học và cấp học khác nhau.
Có một thực tế đáng buồn là nguyên nhân của các vụ việc hầu hết xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt, đôi khi chỉ từ một câu nói bâng quơ như "học giỏi", "không giúp bạn làm bài", “nhìn đểu”... Đáng buồn hơn, trong các vụ bạo lực học đường có cả sự thờ ơ hoặc tham gia cổ vũ, hô hào của bạn bè, thậm chí quay clip để lưu lại, tung lên mạng xã hội coi như “chiến tích”, thể hiện “bản lĩnh”.
Những vụ việc này đã tạo ra hình ảnh xấu, méo mó về cá nhân học sinh, ảnh hưởng không nhỏ tới nhà trường, giáo viên, môi trường học tập-nơi mà luôn được kỳ vọng sẽ mang lại những giá trị nhân văn nhất cho lứa tuổi học trò.
Nhưng cho dù nguyên nhân của các vụ ẩu đả, bắt nạt, đánh hội đồng hay gây lộn là gì, ai đúng ai sai, thì đều dễ khiến trẻ (ở cả người gây ra và người bị hại) bị tổn thương tâm lý, sợ đến trường, ảnh hưởng tới kết quả học tập, sức khỏe thể chất và tinh thần. Ai khi chứng kiến vụ việc cũng cảm thấy đau lòng, nhất là với các bậc phụ huynh.
Lứa tuổi học trò hiếu động, những thay đổi về tâm sinh lý và muôn vàn lý do khác nhau đều có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Việc ngăn ngừa bạo lực học đường bằng cách trang bị cho các em kỹ năng sống, thái độ nhân văn khi ứng xử với bạn bè qua các bài học, khơi gợi tinh thần nhân ái, sống vì cộng đồng; rèn luyện bản thân, biết kiềm chế các cơn giận và giải toả nó trở nên vô cùng cần thiết.
Nhà trường, thầy cô phải thực sự trở thành sợi dây kết nối để giải toả bức xúc, giảm căng thẳng giữa học sinh với học sinh, giữa phụ huynh với phụ huynh. Các bậc phụ huynh cần có thái độ ứng xử bình tĩnh, mềm mại, có lý trí và văn hoá để không “đổ lỗi”, “phán xét”, “đổ thêm dầu vào lửa”, đẩy sự việc đi xa hơn.
Khi giải quyết vụ việc cần làm cho các em nhận thức rõ hành vi của mình một cách nhân văn, tránh những vụ việc đáng tiếc tương tự có thể xảy ra. Thêm cơ hội cho các em sửa sai là thêm cơ hội cho các em có thể tự điều chỉnh hành vi, từ đó có thái độ sống tốt hơn, chính là điều mà môi trường giáo dục luôn hướng tới và là một cái đích của nền giáo dục.
XUÂN PHONG