Trẻ em nông thôn “khát” sân chơi dịp hè

Xã hội - Ngày đăng : 09:24, 06/06/2022

Do dịch Covid-19 được kiểm soát nên năm nay các em thiếu nhi trong tỉnh có kỳ nghỉ hè thoải mái hơn. Song có một nghịch lý so với ở thành phố, trẻ em ở nông thôn đang thiếu những sân chơi đúng nghĩa trong dịp hè.


Vì thiếu điểm vui chơi nên nhiều trẻ em ở nông thôn phải tự chơi với nhau ngoài đường khi cha mẹ đi làm

Thiếu điểm vui chơi

Vào mùa vải chín, hôm nào chị Nguyễn Thị Quế ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) cũng phải đi làm từ tờ mờ sớm khi các con vẫn còn say giấc. Từ khi các con được nghỉ hè đến nay, chị Quế đi làm luôn thấp thỏm, lo âu vì không biết chúng ở nhà chơi với nhau có an toàn không? Chị Quế cho biết nghỉ hè không có chỗ chơi và người trông nên chị đành phải để 2 con ở nhà xem ti vi hoặc điện thoại. “Giá mà địa phương xây dựng được một điểm vui chơi nho nhỏ ở nhà văn hóa thôn thì tốt biết mấy. Chỉ cần vài chiếc cầu trượt, bập bênh, đu quay, nhà bóng là các con có thể ra đó vui đùa, giao tiếp mà không phải ở nhà xem tivi, điện thoại suốt ngày hoặc tìm đến những nơi vui chơi không an toàn khác”, chị Quế ao ước.

Không chỉ riêng chị Quế, có một điểm vui chơi đúng nghĩa dành cho con trẻ trong dịp hè cũng là mong muốn của nhiều phụ huynh ở nông thôn hiện nay. Trong khi trẻ em thành phố có những khóa học năng khiếu, được tham gia các trại hè thì trẻ em nông thôn lại không có những sân chơi như thế. Nhà văn hóa thôn, khu dân cư ở nhiều nơi trong tỉnh được xây dựng khang trang nhưng phần lớn chỉ dành để hội họp, ít nơi đầu tư các thiết bị vui chơi dành cho trẻ em.  

Không muốn để trẻ tự do vui chơi thiếu an toàn, nhiều gia đình ở nông thôn tặng luôn con "học kỳ thứ 3". Em Nguyễn Thị Vân, 10 tuổi, ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) cho biết: "Dịp hè mấy năm trước cháu còn được bố cho đi học bơi với mấy bạn trong xóm ở ao làng. Nhưng gần đây có bạn đi bơi bị đuối nước ở đó nên bố cháu cấm, không cho đi nữa. Hè này cháu không được đi chơi mà phải học thêm vì lên lớp 5 kiến thức rất nhiều”.

Ở nông thôn tuy có không gian rộng rãi nhưng chỗ chơi an toàn lại đang thiếu. Để trẻ tự do đi chơi thì lo đuối nước còn muốn tham gia các hoạt động năng khiếu như: học vẽ, học đàn, học hát thì ở quê lại không tổ chức. Muốn học các lớp này, cha mẹ phải đưa con lên trung tâm huyện, cách nhà xa và phải đưa đón. Anh Nguyễn Văn Lợi ở thôn Bá Đại, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) cho biết: “Thật nghịch lý khi trẻ em nông thôn hiện nay lại bị nhốt ở nhà xem tivi hay điện thoại trong khi đây là điều thường thấy ở thành phố trước đây”.

Những lo toan nêu trên của các bậc cha mẹ phần nào phản ánh thực trạng thiếu chỗ chơi cho trẻ em nông thôn hiện nay. Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương mới chỉ tập trung thực hiện các công trình quan trọng khác mà lại chưa quan tâm tới việc lắp đặt các thiết bị vui chơi dành cho trẻ em. Xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em cũng là một trong những chỉ tiêu trong xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn mới nhưng nhiều địa phương trong tỉnh bỏ qua. 

Cần quan tâm đầu tư đúng mức

Thiếu sân chơi không chỉ hạn chế khả năng vận động, trẻ khó phát triển toàn diện mà còn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tai nạn giao thông hoặc sa đà vào những trò chơi điện tử. Vì vậy, không chỉ với trẻ em thành phố, việc tạo sân chơi cho trẻ em nông thôn dịp hè cũng cần được quan tâm. 

Ông Nguyễn Tiến Chức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) cho biết điểm vui chơi cho trẻ em nông thôn rất cần thiết nhưng thời gian qua địa phương còn thiếu kinh phí nên chưa thực hiện được. Xã cũng đã có quy hoạch xây dựng các điểm vui chơi dành riêng cho trẻ em. Thời gian tới, địa phương sẽ cố gắng huy động các nguồn lực, vận động người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn tham gia ủng hộ để mua một số thiết bị vui chơi cho trẻ em đặt tại các điểm công cộng hoặc nhà văn hóa thôn. 

Khi chính quyền các địa phương thực sự quan tâm đầu tư và các đoàn thể chính trị-xã hội vào cuộc tích cực xây dựng các điểm vui chơi, tổ chức các hoạt động vui khỏe trong dịp hè thì trẻ em nông thôn sẽ bớt thiệt thòi. Chị Dương Thị Hương Giang, Trưởng ban Phong trào (Tỉnh đoàn) cho biết để tạo sân chơi cho thiếu nhi ở nông thôn thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã cố gắng tổ chức một số hoạt động có ý nghĩa như dạy bơi cho trẻ em; phối hợp một số trường đại học, cao đẳng mở lớp dạy tiếng Anh cho các em. Một số nơi Đoàn Thanh niên đã tận dụng lốp xe cũ để tạo những trò chơi cho các em thiếu nhi tại những điểm công cộng ở thôn, khu dân cư… Tuy nhiên, những công trình, hoạt động như trên vẫn chưa nhiều. Sau 2 năm các hoạt động Đoàn bị “đóng băng” bởi dịch Covid-19 thì hè năm nay nhiều chương trình sẽ được khởi động. Đây cũng là một trong những sân chơi ý nghĩa dành cho thiếu nhi trong tỉnh. Thời gian tới, Tỉnh đoàn cũng sẽ tích cực huy động các nguồn lực xã hội để tu sửa, xây dựng và trao tặng các công trình vui chơi cho thiếu nhi nông thôn. 

Thiếu sân chơi cho trẻ em nông thôn là "bài toán" từ lâu chưa có lời giải ở nhiều địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, ngoài nâng cao thu nhập thì việc quan tâm đến đời sống tinh thần cho người dân, trong đó có trẻ em rất cần được coi trọng. Các địa phương trong tỉnh cần sớm bố trí ngân sách xây dựng các điểm vui chơi để những mầm non tương lai của đất nước có một mùa hè ý nghĩa, bổ ích. 

HẢI MINH