Không để lãng phí trụ sở kéo dài
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:30, 09/06/2022
Từ cuối tháng 5 đến nay, Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh thực hiện giám sát về công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị trực thuộc tại 15 sở, ngành, địa phương, đơn vị.
Qua giám sát cho thấy có một thực trạng trái ngược giữa các nơi. Đó là trong khi một số nơi trụ sở xuống cấp, thiếu diện tích đất, diện tích phòng làm việc theo quy định thì nhiều nơi lại có các trụ sở bỏ trống. Giai đoạn 2019-2021, tỉnh ta nhập 55 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 24 đơn vị mới. 15 đơn vị thực hiện nhập 3 đơn vị thành 1 đơn vị hành chính mới, 40 đơn vị thực hiện nhập 2 đơn vị thành 1 đơn vị hành chính mới. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh hiện có 235 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 30 đơn vị so với trước đây.
Số đơn vị hành chính cấp xã giảm đồng nghĩa với việc nhiều trụ sở xã và các công trình cơ sở như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... không còn sử dụng và hiện chưa có phương án giải quyết. Chỉ tính riêng tại huyện Ninh Giang là địa phương có nhiều xã sáp nhập nhất tỉnh (14 xã nhập thành 6 xã) có tới 25.873 m2 đất và 7.326 m2 nhà là trụ sở các xã cũ đang bỏ trống. Giám sát tại một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cũng có các trụ sở cũ không còn sử dụng, bỏ trống nhiều năm nay như: Viện Kiểm sát nhân dân TP Chí Linh, Chi cục Thuế Bình Giang... nhưng chưa hoàn thành xử lý, chuyển giao cho tỉnh quản lý. Trụ sở cũ của Chi cục Thuế TP Hải Dương và các huyện Gia Lộc, Nam Sách đã hoàn tất bàn giao cho tỉnh quản lý cũng chưa có phương án giải quyết cụ thể, dứt điểm.
Việc hàng chục trụ sở công trong tỉnh bỏ trống kéo dài đang gây lãng phí lớn. Công trình không sử dụng không chỉ lãng phí về hạ tầng mà còn tốn kém chi phí bảo dưỡng, sửa chữa lớn và thuê trông coi, bảo vệ. Các trụ sở không có người làm việc cũng xuống cấp nhanh hơn vì không được kịp thời xử lý, khắc phục những sự cố xảy ra. Trong khi đó, phần lớn các trụ sở đều nằm ở vị trí đắc địa của các địa phương khiến "đất vàng" không phát huy hiệu quả, gây mất mỹ quan...
Làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh, nhiều địa phương có chung kiến nghị cần có hướng dẫn để tài sản không có nhu cầu sử dụng, dôi dư sẽ được bán đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các trụ sở xuống cấp, góp phần chỉnh trang cơ sở vật chất. Tuy nhiên, cùng với phương án đấu giá, cho thuê dịch vụ - thương mại để tạo nguồn thu, các địa phương cũng cần ưu tiên phương án "biến" những trụ sở công không còn sử dụng thành những công trình, không gian công cộng để vừa phát huy hiệu quả tức thời, vừa tạo quỹ đất dự phòng phát triển. Đối với các trụ sở của các cơ quan, đơn vị nằm ở vị trí đắc địa cũng cần ưu tiên chuyển giao cho các cơ quan khác sử dụng để giữ lại những diện tích "đất vàng" nhằm có thể tối đa hóa hiệu quả khai thác lâu dài.
Sau cuộc giám sát, Thường trực HĐND tỉnh sẽ có những đánh giá sâu kỹ về thực trạng công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc ở sở, ngành, địa phương, đơn vị; đồng thời đề xuất những giải pháp để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, trong đó có việc trụ sở công để trống như hiện nay. Việc giải quyết kịp thời trụ sở, tài sản khác dôi dư cần bảo đảm thận trọng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật nhưng cũng cần khẩn trương, dứt điểm. Hy vọng kết quả của cuộc giám sát cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương, thời gian tới trong tỉnh sẽ không còn những trụ sở bỏ không, lãng phí.
HOÀNG LONG