Triển khai quyết liệt, hiệu quả 5 trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện thể chế

Tin tức - Ngày đăng : 17:02, 09/06/2022

Thực hiện Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, chiều 9.6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chú thích ảnh

 Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ

Báo cáo, giải trình một số vấn đề được quan tâm, chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; đã thông báo tổng mức vốn 149.201 tỷ đồng, danh mục và mức vốn dự kiến cho 113 nhiệm vụ, dự án cụ thể. Cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình đã cơ bản hoàn thành.

Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án; phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Việc triển khai Chương trình được chỉ đạo quyết liệt; nội dung này được đưa vào Phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng và Thủ tướng Chính phủ đã có 3 công điện để chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai Chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất, trong đó, hoàn thành, ban hành 4 văn bản trong tháng 6.2022, gồm: Hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu; phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công; hướng dẫn việc sử dụng Quỹ Viễn thông công ích để tiếp tục thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, Internet; sửa đổi Thông tư hướng dẫn về chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dám nghĩ, dám làm

Về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, để triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 19 văn bản để phê duyệt, quy định nguyên tắc, tiêu chí và phân bổ vốn cho 3 Chương trình; tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số; danh sách huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc đối tượng của Chương trình giảm nghèo bền vững; bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới… Căn cứ Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và giao dự toán ngân sách Trung ương 2022 cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn chưa đạt yêu cầu về thời gian do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhận thức rõ trách nhiệm, thời gian tới, Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, trong đó yêu cầu các bộ, ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, đề án với lộ trình cụ thể và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Các địa phương khẩn trương giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dám nghĩ, dám làm; chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với địa phương và quy định liên quan theo thẩm quyền. Quá trình thực hiện tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước. Các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp huy động, bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho địa bàn khó khăn…

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Về giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, đầu tư công là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phải thúc đẩy kịp thời tiến độ, vừa phải tính toán kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội; đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đến ngày 31.5.2022, đã giải ngân 22,37% kế hoạch.

Trong tháng 5.2022, các tổ công tác này đã làm việc và kiểm tra thực tế tình hình giải ngân tại các bộ, cơ quan, địa phương. Quá trình làm việc đã xác định rõ nguyên nhân chậm giải ngân, trong đó, tổ chức thực hiện được xác định là khâu yếu; trên cơ sở đó, Tổ trưởng các tổ công tác đã chỉ đạo, yêu cầu thực hiện các giải pháp để phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Qua làm việc, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương, phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công...

Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030

Thừa nhận tiến độ lập quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu do quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập dù đã được tháo gỡ bằng Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, Luật Quy hoạch qua giám sát tối cao của Quốc hội cho thấy còn nhiều chồng chéo, bất cập, chưa rõ ràng, còn cách hiểu khác nhau.

Chính phủ cơ bản thống nhất về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thực hiện điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp có mâu thuẫn theo hướng giảm bớt một số thủ tục; sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên để lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch mà chưa được bố trí vốn và các quy hoạch được điều chỉnh; điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch; áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu để lập các quy hoạch mà chưa lựa chọn được nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030…

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội và tiếp tục đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành, hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu hoàn thành các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia trong năm 2023.

5 trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện thể chế

Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định, triển khai quyết liệt, hiệu quả 5 trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện thể chế: Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường rà soát, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển, nhất là trong phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành; quan tâm đầu tư nguồn lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thể chế.

Từ tháng 4.2021 đến nay, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội 13 luật; đã ban hành 124 nghị định, 190 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 37 quyết định quy phạm pháp luật, 2.409 quyết định cá biệt để thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thời gian qua có nhiều đổi mới, tập trung tháo gỡ, xử lý những vướng mắc, điểm nghẽn, góp phần quan trọng vào thành công trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có được kết quả tích cực, nổi bật nêu trên là nhờ có sự đồng hành, phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung tiếp tục rà soát, triển khai quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện thể chế; bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm gắn với việc thực hiện Đề án định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai hiệu quả các chương trình, chiến lược, đề án về cải cách hành chính; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với bảo đảm nguồn lực và thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Theo TTXVN