Nơm nớp chờ tin

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:11, 11/06/2022

Mấy hôm nay chị Nhung cứ ra ra vào vào, thở ngắn than dài. Anh Hùng, chồng chị, thấy vậy bảo:

- Em bị làm sao thế, cứ đi đi lại lại chóng cả mặt.

- Thì em sốt ruột chứ sao? Không biết cái Hân nhà mình có đỗ không? Tỷ lệ chọi trường ấy cao thế, em lo lắm.

- Con thi về bảo làm được bài mà. Nhiều giáo viên cũng nhận định năm nay đề các môn đều vừa sức học sinh, không đánh đố các con.

- Thế em lại càng lo, con mình làm được thì con người ta cũng làm được. Biết thế em đăng ký nguyện vọng 2 cho con về trường huyện thì bây giờ có khi không phải lo đứng lo ngồi thế này.

- Nhà mình ở thành phố đăng ký cho con về trường huyện học làm sao được?

- Em đang hối hận đây này. Em cũng nghĩ con mình ở thành phố thì chỉ đăng ký được nguyện vọng vào các trường thành phố thôi. Đến mãi vừa rồi mới biết hóa ra ngay trong lớp cái Hân có một số trường hợp đăng ký nguyện vọng 2 về trường huyện đấy. 

- Em tưởng trường huyện thì dễ hơn chắc? Nhiều trường trọng điểm tuyến huyện lấy điểm đầu vào rất cao vì chất lượng dạy và học không thua kém gì thành phố cả. Mà chưa kể nếu có đỗ vào trường huyện thì việc đi lại học hành làm thế nào? Trường gần nhất cũng cách nhà mình cả chục cây số.

- Thấy một số mẹ kháo nhau là trước cứ đăng ký nguyện vọng 2 cho con vào trường huyện để chắc đỗ cái đã, rồi học một thời gian lại tìm cách chuyển lên anh ạ.

- Anh đọc báo thấy năm nay cả tỉnh có tới gần 30.000 học sinh lớp 9, mà tính cả trường công lập, tư thục, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Ngoại ngữ, Tin học tỉnh mới được giao khoảng 25.000 chỉ tiêu. Trường công, trường tư chỗ nào cũng chật cứng cả rồi, làm sao có chuyện dễ dàng chuyển từ trường nọ sang trường kia được.

- Biết thế em cứ đăng ký đặt một chỗ cho con ở trường tư thì bây giờ đỡ lo.

- Anh đã bảo ngay mà, tại em cứ tiếc mấy triệu tiền đặt cọc đấy.

- Là em nghĩ nhỡ con mình đỗ được trường công thì tự dưng mất toi mấy triệu tiền cọc vào trường tư, mà kinh tế nhà mình lại không khá giả gì.
Nghe con trai, con dâu nói chuyện, ông Bính bảo:

- Cứ chờ kết quả thi của cháu đã. Nếu không đỗ được cũng có phải hết cách đâu. Bố thấy một số trường nghề trong tỉnh có hệ 9+ gì đấy. Nghe nói là học xong 3 năm vừa có bằng cấp III, vừa có chứng chỉ học nghề. Các con thử tìm hiểu xem.

Thấy chị Nhung còn băn khoăn, ông lại nói:

- Những năm qua không ít cháu học xong đại học ra trường không xin được việc phù hợp, cuối cùng lại đi làm công nhân. Thế chi bằng đi học nghề ngay từ đầu. Mà bố thấy bảo trường nghề còn lo cả đầu ra cho các cháu. Kinh tế nhà mình đuối, nếu không đỗ trường công thì cho cháu đi học hệ này cũng được các con ạ.

Nghe bố phân tích xong, hai vợ chồng chị Nhung đều thấy hợp lý. Anh chị quyết định nếu con không đỗ trường công sẽ chọn hướng này.

KIM THANH