Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - Người cộng sản kiên trung
Chính trị - Ngày đăng : 21:25, 11/06/2022
Được trui rèn và trưởng thành từ thực tiễn cách mạng hết sức phong phú, với kiến thức sâu rộng và tư duy khoa học, nhạy bén, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người cộng sản kiên trung
Sinh ra và lớn lên ở miền sông nước Cửu Long, vùng đất có truyền thống yêu nước kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, người thanh niên Phạm Văn Thiện tức đồng chí Phạm Hùng đã sớm dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, từ một thanh niên yêu nước chân chính đồng chí đã đến với chủ nghĩa cộng sản trở thành người Đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên.
Khi 16 tuổi đồng chí Phạm Hùng đã hoạt động trong phong trào học sinh, sớm giác ngộ cách mạng, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành đảng viên cộng sản lớp đầu tiên. Năm 1931, đồng chí đảm nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, dưới sự lãnh đạo của đồng chí, nhiều cơ sở cách mạng, phong trào đấu tranh của nhân dân nơi đây nhanh chóng phát triển, chống lại chế độ áp bức của chính quyền thực dân, phong kiến. Tháng 4/1931, đồng chí bị địch bắt, bị kết án tử hình, đưa đi biệt giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Sau đó, được giảm xuống chung thân khổ sai và bị đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo năm 1934.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang Châu Thị Mỹ Phương cho biết, tỉnh Mỹ Tho là nơi giác ngộ lý tưởng cộng sản và khởi đầu cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đậm chất anh hùng ca, đầy huyền thoại của đồng chí Phạm Hùng. Phong trào đấu tranh của nhân dân tỉnh Mỹ Tho năm 1931 diễn ra sôi nổi, quyết liệt gắn liền với sự lãnh đạo tài tình, kịp thời, đúng đắn của đồng chí Phạm Hùng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh oanh liệt của nhân dân cả nước trong cao trào cách mạng năm 1930-1931.
Ra Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng được bổ sung vào Chi ủy Nhà tù. Chi bộ Nhà tù Côn Đảo được công nhận là Chi bộ đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ. Cuối năm 1941, đồng chí được bầu là Bí thư Chi bộ Nhà tù. Những tháng ngày trong ngục tù đế quốc, đồng chí vẫn giữ vững tinh thần gang thép của người chiến sỹ cộng sản, vững tin vào tương lai tươi sáng của sự nghiệp cách mạng, hăng hái tham gia đấu tranh chống chế độ lao tù phản động, đòi cải thiện đời sống tù nhân.
Với tinh thần “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, đồng chí đã tích cực cùng Chi ủy Nhà tù tổ chức tuyên truyền, giáo dục lý luận cách mạng, tinh thần và ý chí chiến đấu trong các chiến sĩ cộng sản đang bị giam giữ, góp phần đào tạo cán bộ cho cách mạng, cho Đảng. Chớp thời cơ thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trong đất liền, Bí thư Đảo ủy Phạm Hùng đã bàn bạc, thống nhất trong cấp ủy, lãnh đạo tù nhân đấu tranh giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình, giải phóng Côn Đảo, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám.
Nhà lãnh đạo tài năng
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay khi trở về đất liền nhận nhiệm vụ mới sau khi vừa thoát khỏi gông cùm, xiềng xích của nhà tù Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam và được bầu vào Xứ ủy lâm thời Nam Bộ.
Đầu năm 1946, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy và Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc. Do tính chất phức tạp trong nội bộ các lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí chủ trương phải xây dựng và tổ chức Quốc gia Tự vệ cuộc thành một lực lượng mạnh, đối phó có hiệu quả với bọn tình báo, gián điệp phản động của địch để bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân. Chính đồng chí cũng là người khởi xướng phong trào học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, là người đặt nền móng và có công lớn trong việc xây dựng và rèn luyện lực lượng Công an nhân dân theo Sáu điều Bác Hồ dạy, nhằm xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng bảo vệ đáng tin cậy của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, nhìn lại lịch sử, phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy là một phong trào có quy mô lớn nhất, gắn liền với quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân hơn 70 năm qua. Phong trào đã thực sự trở thành động lực cho công tác, chiến đấu và là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Phong trào như ngọn đuốc soi đường cho những chiến công, thành tích của lực lượng Công an nhân dân.
Mặt khác, với vai trò là Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, đồng chí đã cùng với tập thể Xứ ủy giải quyết hàng loạt vấn đề do lịch sử để lại, trước hết là xóa bỏ thành kiến giữa “Việt Minh cũ - Việt Minh mới”. Những cố gắng của đồng chí đã góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ Nam Bộ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam Bộ, đề ra chủ trương, đường lối phù hợp với thực tiễn như: Mở rộng chiến tranh nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn (tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân cày nghèo); chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sỹ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, đồng chí được phân công vào chiến trường miền Nam đảm nhận cương vị Chính ủy các lực lượng vũ trang quân Giải phóng, người lãnh đạo cao nhất trên chiến trường miền Nam. Với tinh thần cách mạng kiên cường, đồng chí đã cùng Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân Nam Bộ thành đồng vượt qua muôn ngàn thử thách, cùng với nhân dân cả nước thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc.
Trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận bao vây, phá hoại nhiều mặt, hòng làm cho đất nước ta kiệt quệ về kinh tế. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Phạm Hùng luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự nghiêm túc mẫu mực, luôn chăm lo giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đem hết nhiệt huyết và trí tuệ phục vụ cho Đảng, phục vụ nhân dân. Đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm của một người cán bộ giàu bản lĩnh, một nhà lãnh đạo tài năng trong các quyết định và triển khai các quyết sách của Đảng và Nhà nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả ba chương trình kinh tế lớn: Lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đồng chí đã đề ra những quyết sách quan trọng đột phá những vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông; xử lý đúng đắn những quan hệ lợi ích kinh tế để tạo động lực phát triển sản xuất; dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế.
Với những chính sách giải quyết chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ do đồng chí Phạm Hùng đứng đầu, nhiều vấn đề then chốt về kinh tế xã hội của đất nước đã bước đầu được giải quyết, từng bước khắc phục sự trì trệ, lúng túng ở thời kỳ đầu chuyển đổi cơ chế quản lý, chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường; củng có niềm tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào đường lối đổi mới của Đảng, vào sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Nêu cao tính tiên phong của người đứng đầu, đồng chí vừa tập trung chỉ đạo Hội đồng Bộ trưởng, các bộ, ngành, địa phương ra sức thực hiện đường lối đổi mới vừa dành nhiều thời gian trực tiếp đi cơ sở để nắm bắt tình hình, kiểm tra, đôn đốc, quyết định chỉ đạo thực hiện các kế hoạch của nhà nước, giải quyết những khó khăn, những điểm nghẽn, các vấn đề thực tiễn cấp bách, nhất là vấn đề lương thực.
Kiên định đổi mới nhưng không xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, đồng chí Phạm Hùng đã trực tiếp chỉ đạo, cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng thành những quyết sách từng bước xoay chuyển tình hình, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo chuyển biến mới cho sự ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân; biến chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng thành hành động thực tế của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Theo báo Tin tức