Chuyện chợ búa... nhỏ mà!
Đời sống - Ngày đăng : 09:36, 13/06/2022
Ngày đầu tiên làm "bà nội trợ", trước khi vào siêu thị anh cẩn thận ghi các món cần mua ra giấy. Ấy vậy mà đâu đã đúng! Số lượng thì đảm bảo nhưng chất lượng thì phải qua "kiểm chứng" của vợ: "Bó cải này héo queo, vậy mà cũng lấy"; "Sao anh không xem date mấy vỉ trứng gà? Lần sau nhớ mua loại ngày gần nhất nha anh...".
Trước đây, anh thỉnh thoảng phụ vợ nấu ăn chứ hiếm khi nhận trách nhiệm ra chợ, vào siêu thị. "Chuyện đó, đàn bà làm hợp hơn". Đến khi chị sinh con, bà ngoại đến chăm được một tháng rồi về, vậy là việc nội trợ rơi vào tay anh.
Mấy ngày đầu anh đi siêu thị vì không quen kỳ kèo, trả giá ở chợ. Ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn... thương cảm của các chị em nhân viên gian hàng tươi sống trong siêu thị lúc đầu có làm anh ngài ngại. Nhưng riết rồi cũng quen, thậm chí họ còn ưu tiên chọn dùm đồ ngon cho anh.
Nhưng đồng lương eo hẹp, giá cả ngày một leo thang, ra chợ sẽ có nhiều món rẻ hơn vào siêu thị. Thế là anh bươn ra chợ luôn. Mấy tuần đầu, anh mua gì cũng đắt, có món đắt hơn cả siêu thị. Lý do vì anh ngại trả giá. Chị bảo chồng phải trả giá, người bán bao giờ cũng nói thách. Anh cũng mấy lần anh lấy hết can đảm để trả giá. Ai thông cảm đàn ông đi chợ thì bớt chút đỉnh. Nhưng cũng không ít lần anh bị mắng như tát nước vào mặt: "Đàn ông gì đi chợ mà trả giá hơn đàn bà!".
Nhìn cảnh chồng mặt mày ỉu xìu những hôm bị ăn mắng, chị thấy xót xa, nhưng cũng đành vậy thôi. Có hôm chồng mua món nào cũng không vừa ý: chuối thì hư gần nửa nải; rau dập, héo; cá không tươi... Chị bực mình lắm nhưng phàn nàn nhiều anh tự ái, vợ chồng cãi nhau thêm mệt nên chị không nói gì.
Dần dà, anh ngày một có "kinh nghiệm" hơn, thậm chí còn vào bếp chế biến vài món như nấu canh, kho cá... Giờ mạng xã hội đầy, chỉ cần chịu khó học theo "youtube" là có ngay món ăn. Tuy có hôm cũng bị "tổ trác" canh mặn, cá khét... nhưng nhìn những giọt mồ hôi trên trán anh khiến canh, cá thế nào cũng nuốt trôi hết.
Hôm qua trời mưa, từ chợ về, anh vác lỉnh kỉnh đủ thứ: ngoài thịt, cá, rau củ, anh còn mua kim chỉ, bàn chải, kể cả... tăm bông. Chưa kịp bày tỏ thắc mắc, anh đã kể:" Thấy ông cụ đứng bán mấy món này ngoài đường mưa ướt hết vẫn không chịu trú mưa nên anh mua dùm ông vài thứ, tội nghiệp".
Vậy đó, hết chuyện ông bán hàng lạc xoong đến cụ bà bán cá, anh trai khuyết tật bán bắp...đã làm cho ông nội trợ nhà chị trở nên dễ thương hơn, hòa nhập vào cuộc sống nhiều hơn.
Tôi nói với anh: "Đợi con cứng cáp một chút, em sẽ đi chợ, lo việc nấu nướng trở lại, để anh yên tâm đi làm...". Anh phán cái rụp: "Cứ để anh lo, đã thu xếp được rồi thì chuyện chợ búa nhỏ mà".
Theo Người lao động