2 giống lúa sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:30, 14/06/2022
Các đại biểu tham quan thực tế và đánh giá năng suất lúa TBR225 chất lượng, kháng bạc lá tại xã Ngô Quyền (Thanh Miện)
Năm 2022, Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng mô hình sản xuất giống lúa TBR225 chất lượng, kháng bạc lá với quy mô 300 ha tại 5 địa phương trong tỉnh. Các vùng được lựa chọn có quy mô từ 10 ha trở lên, được cấy máy bằng mạ khay. Giống lúa này cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt nên giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật giúp bảo vệ môi trường. Năng suất lúa bình quân đạt 76,5 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng 7,2 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế đạt 20,7 triệu đồng/ha, cao hơn 6,1 triệu đồng/ha so với giống đối chứng.
Cùng ngày, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình ứng dụng “gói kỹ thuật canh tác tiên tiến” trên giống lúa Gia Lộc 561 phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh.
"Gói kỹ thuật canh tác tiên tiến" được công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Cụ thể, lượng thóc giống sử dụng 40 kg/ha, giảm 10 kg/ha so với thông thường, thực hiện chế độ nước tưới tiết kiệm, phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc "4 đúng" và chỉ phun thuốc khi đến ngưỡng...
Tại vụ xuân, mô hình được thực hiện với tổng diện tích 100 ha ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Bình Giang, Tứ Kỳ. Kết quả, giống lúa Gia Lộc 561 cứng cây, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại hơn so với giống đối chứng Bắc thơm 7. Năng suất lúa dự kiến đạt từ 62,1 - 67,5 tạ/ha, cao hơn giống Bắc thơm 7 từ 10 - 15%.
TRẦN HIỀN