Đề nghị sáp nhập Ban Thanh tra nhân dân với Ban Giám sát đầu tư cộng đồng
Tin tức - Ngày đăng : 15:37, 15/06/2022
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và chỉ ra một số bất cập cần được nghiên cứu thêm
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn bày tỏ quan điểm khi trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương bên lề Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (DCCS). Về cơ bản, đại biểu nhất trí với dự thảo và chỉ ra một số bất cập cần được ban soạn thảo nghiên cứu thêm.
Theo đại biểu, khoản 2 điều 2 dự thảo luật quy định: “Thực hiện DCCS là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân" trong khi khoản 1 và 2 điều 2, khoản 1 điều 3... đều xác định chủ thể thực hiện DCCS là công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tại các điều từ 14-18, chủ thể thực hiện các công việc của cộng đồng dân cư lại là cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.
"Như vậy, chủ thể thực hiện DCCS không có sự nhất quán. Đề nghị thống nhất sử dụng thuật ngữ “công dân” nói chung vì từ “nhân dân" có nghĩa rất rộng tùy theo từng lĩnh vực nhưng trong pháp lý cũng gần tương đồng với khái niệm công dân. Trong khi đó, từ “công dân” đã được Hiến pháp năm 2013 quy định bao hàm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cử tri", đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho biết.
Về tính hợp lý của các quy định trong dự thảo, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng còn 3 điểm bất cập. Điều 13 dự thảo quy định các nội dung nhân dân bàn và quyết định và mang tính chất bắt buộc. Tuy nhiên, điều 14 lại quy định về thẩm quyền đề xuất nội dung nhân dân bàn và quyết định. Quy định này có thể dẫn đến cách hiểu phải qua thủ tục, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề xuất nội dung thì nhân dân mới được bàn, quyết định.
Về việc thực hành DCCS trong điều kiện phát triển của công nghệ thông tin, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đồng tình chỉ nên quy định chung đối với việc sử dụng mạng xã hội để công khai thông tin mà không quy định cụ thể mạng xã hội nào. Trường hợp cần thiết cho công tác quản lý nhà nước thì có thể hướng dẫn cụ thể trong các văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, ở một số địa phương có làng chài, người dân chủ yếu sống trên thuyền thì rất khó để tổ chức hội nghị có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình. Thực tiễn dịch Covid-19 những năm vừa qua cho thấy các hội nghị, hội thảo trực tuyến cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Do đó, việc lấy ý kiến các đối tượng công dân cụ thể qua mạng xã hội hoặc họp cử tri, bỏ phiếu trực tuyến trong trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh hoặc ở những địa bàn đặc thù là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định rõ ràng, cụ thể để kiểm soát, tránh các trường hợp lạm dụng mạng xã hội để gây mất trật tự xã hội.
Về quy định Ban Thanh tra nhân dân tại chương V dự thảo luật, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng điều 58 quy định: “Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật…” cho thấy ban này không thực hiện nội dung nào của hoạt động thanh tra mà bản chất là thực hiện nhiệm vụ giám sát. Đại biểu đề nghị cần xác định thanh tra nhân dân thực chất là hoạt động giám sát của nhân dân ở cơ sở để từ đó đưa nội dung chương V vào mục giám sát tại các chương II, III, IV cho phù hợp.
PHONG TUYẾT