Phạm nhân từng trốn trại không được lao động ngoài trại giam

Pháp luật - Ngày đăng : 09:08, 16/06/2022

Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam Bộ Công an, có 12 trường hợp không được áp dụng.

Với 467 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,78% tổng số ĐBQH), Quốc hội sáng nay (16.6) đã thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Nghị quyết quy định việc thí điểm thuộc trại giam của Bộ Công an, trong đó trại giam được áp dụng thí điểm hợp tác với tổ chức trong nước để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Theo Nghị quyết, việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ kết quả lao động, hướng nghiệp, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngành, nghề tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là ngành, nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước theo quy định của pháp luật.

Phạm nhân đang lao động, sản xuất dưới sự giám sát, hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ

12 trường hợp không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam gồm:

Phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Phạm nhân đã bị kết án từ 2 lần trở lên.

Phạm nhân tái phạm nguy hiểm.

Phạm nhân là người tổ chức trong vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nghiêm trọng.

Phạm nhân có thời gian chấp hành án phạt tù còn lại trên 7 năm.

Phạm nhân là người nước ngoài.

Phạm nhân đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Phạm nhân dưới 18 tuổi; phạm nhân từ đủ 60 tuổi trở lên.

Phạm nhân đang xếp loại chấp hành án phạt tù loại “Kém”.

Phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ hoặc trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc.

Phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự.

Theo Vietnamnet