Xót xa mẹ bỏ rơi con

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 09:22, 17/06/2022

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh liên tục phát hiện các vụ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở trước cửa nhà dân, ven đường, trước cổng chùa... Có trẻ còn nguyên dây cuống rốn, có trẻ từ 7 - 8 tháng tuổi.


Một cháu bé bị bỏ rơi được giao cho Trạm Y tế xã Tuấn Việt (Kim Thành) theo dõi, chăm sóc

Trước mỗi vụ việc, người dân không khỏi xót xa và luôn đặt câu hỏi tại sao lại có những người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con mình?

Sáng 10.6, một số người dân thôn Cam Đông, xã Tuấn Việt (Kim Thành) đi tập thể dục buổi sáng bất ngờ nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh phát ra từ điếm canh đê ở bờ hữu sông Kinh Môn. Lại gần, người dân phát hiện 1 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được quấn trong chiếc chăn len. Sau đó, Công an xã Tuấn Việt đã phối hợp đưa cháu bé đến Trạm Y tế xã sơ cứu. Đó là một cháu trai không dị hình, dị tật, nặng 3,9 kg, còn nguyên dây cuống rốn. 

Trước đó, trong tháng 5 và tháng 6, cũng tại huyện Kim Thành, người dân phát hiện 3 trẻ bị bỏ rơi, trong đó có 2 bé sơ sinh và 1 bé khoảng 8-9 tháng tuổi. Trong tháng 3, tại xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ), người dân phát hiện 1 cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi tại khu vực ven đường xóm bãi Đại Đồng. 

Thực tế cho thấy năm nào trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố khác cũng phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Ở một số địa phương, số trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có chiều hướng tăng. Điểm chung của các vụ việc này là trẻ thường bị bỏ rơi vào lúc rạng sáng, một số trẻ bị bỏ trước cửa nhà dân, ven đường hoặc trước cổng chùa. Bên cạnh những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được phát hiện, cứu sống kịp thời thì vẫn có trường hợp trẻ đã tử vong vì phát hiện muộn. Mặc dù chính quyền các địa phương đều phát đi thông báo tìm cha mẹ, người thân của trẻ bị bỏ rơi nhưng hầu hết các trường hợp này đều không đến nhận lại.

Theo một số cán bộ y tế - dân số tại cơ sở, nguyên nhân xảy ra tình trạng nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi thời gian qua phần lớn do một bộ phận thanh niên quan hệ tình dục sớm, bừa bãi trước hôn nhân dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Một số người không có việc làm ổn định, cuộc sống khó khăn, khi mang thai không có khả năng nuôi dưỡng đã bỏ con để giảm bớt gánh nặng. Một nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này chính là sự tha hóa đạo đức, sống buông thả, vô trách nhiệm của một bộ phận thanh niên hiện nay. 

Trước đây, những trẻ bị bỏ rơi mà không có ai nhận nuôi dưỡng sẽ được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Hiện nay, Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Luật Nuôi con nuôi quy định, trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, UBND cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi sẽ trực tiếp thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Vì vậy, phần lớn trường hợp trẻ bị bỏ rơi đã được các địa phương giải quyết kịp thời theo quy định.

Trẻ em có quyền được sống, đó là 1 trong 4 nhóm quyền được quy định tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Bỏ rơi con là hành vi bị nghiêm cấm. Để hạn chế các vụ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, các cấp, ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về dân số, bảo vệ trẻ em cho thanh thiếu niên, nhất là kiến thức, kỹ năng về giới tính cho thanh niên, công nhân tại các trường học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu nhà trọ.

TRƯƠNG HÀ(Kim Thành)