Vì sao cần thi tuyển cán bộ quản lý cấp sở, cấp phòng?

Chính trị - Ngày đăng : 10:15, 18/06/2022

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang xây dựng Đề án "Thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng". Đây là vấn đề mới trong công tác tuyển dụng cán bộ, được nhiều người quan tâm.


Nhiều ý kiến cho rằng cần bảo đảm khách quan, công bằng, nghiêm túc, tuyển chọn đúng người vào vị trí cần tuyển dụng khi tổ chức thi tuyển cán bộ cấp sở, phòng. Trong ảnh: Phó Ban Tổ chức Thành ủy Hải Dương Trần Trọng Du tham gia góp ý tại Hội thảo đề án "Thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng" do Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức ngày 26.5

Khắc phục hạn chế trong bổ nhiệm cán bộ

Những năm qua, công tác lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì năng lực của một bộ phận cán bộ các cấp còn bất cập, chưa ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó, mới phát sinh chưa chủ động, hiệu quả. Cán bộ lãnh đạo, quản lý có tinh thần đổi mới sáng tạo, tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm còn ít...

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đổi mới. Công tác này vẫn còn tình trạng cục bộ, khép kín ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị; chưa kịp thời phát hiện, thu hút, trọng dụng những người thực sự có năng lực để bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. 

Để thực hiện chủ trương của Đảng về vấn đề này, nâng cao chất lượng công tác bổ nhiệm cán bộ, khắc phục những hạn chế của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang xây dựng Đề án "Thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng". 

Theo dự thảo đề án tại hội thảo lấy ý kiến do Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức vào ngày 26.5, các chức danh thí điểm thi tuyển cán bộ tại các cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh quản lý; thuộc thẩm quyền quản lý của các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh. Công tác thi tuyển chỉ thực hiện đối với chức danh lãnh đạo, quản lý ở trường hợp bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và tương đương. Theo dự thảo, việc thực hiện thí điểm thi tuyển đối với một số chức danh gồm: thi tuyển từ 3-5 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở (thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý); thi tuyển từ 3-5 chức danh thuộc các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh; từ 5-10 chức danh thuộc các sở, ngành khối nhà nước; từ 10-12 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng diện Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy quản lý. 

 Ông Nguyễn Đình Xiển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đánh giá: "Dự thảo đề án có nhiều điểm tích cực, trong đó đáng chú ý là Ban Thường vụ cấp ủy có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn được đề cử cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương được dự thi. Trường hợp được đề cử bao gồm cả người không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn".           

Tránh cục bộ

Tại buổi hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo đề án diễn ra vào ngày 26.5, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự. Các ý kiến cơ bản đồng tình, đánh giá cao các nội dung của dự thảo đề án; mong muốn khi đề án chính thức ban hành và tổ chức thi tuyển thì cần bảo đảm khách quan, công bằng, nghiêm túc, tuyển chọn đúng người vào vị trí cần tuyển dụng. Cùng với đó, việc thi tuyển cần tránh làm lu mờ ưu điểm của công tác quy hoạch.

Lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị bày tỏ băn khoăn làm sao để công tác thi tuyển tránh rơi vào tình trạng cục bộ, khép kín. Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Vũ Xuân Đạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tứ Kỳ đề nghị: "Ban Tổ chức Tỉnh ủy cần khảo sát quy định hiện hành của các cơ quan, đơn vị để đưa ra một khung thống nhất, tránh từ những quy định riêng dẫn đến hạn chế người từ nơi khác đến dự tuyển". 

Theo lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, công tác cán bộ cần bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, phải coi trọng công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt vẫn là biện pháp chủ yếu, làm nền tảng cho công tác tuyển chọn. Mặt khác, cần có giải pháp kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa quy hoạch và thi tuyển cạnh tranh nhằm phát huy cao nhất hiệu quả công tác tuyển dụng. Công tác thi tuyển cần tạo ra đột phá nhưng không quá đà, không phải đơn vị, cơ quan nào cũng làm, cần có sự nghiên cứu, đánh giá thật kỹ trong quá trình thí điểm để có cách thức nhân rộng phù hợp. Tỉnh cần tham khảo kỹ cách làm của các địa phương khác để có kế hoạch thi tuyển hợp lý nhất.

DANH TRUNG