"Liên kết”- chìa khóa phát triển du lịch Hải Dương

Du lịch - Ngày đăng : 15:30, 18/06/2022

Chủ động hợp tác, liên kết là việc Hải Dương cần làm để khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch phong phú, để tỉnh từng bước trở thành “điểm đến” thay vì “điểm dừng chân” trên tuyến du lịch quốc gia và khu vực.


Đoàn huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài quốc tế môn bóng bàn SEA Games 31 trải nghiệm du lịch tại vườn vải huyện Thanh Hà

Hải Dương có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng, đặc biệt là tài nguyên du lịch văn hóa, nhưng hiện việc khai thác và phát huy hiệu quả vẫn chưa tương xứng. 

Tiềm năng lớn

Hải Dương có 401 di tích đã được xếp hạng (4 di tích, cụm và quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia và 255 di tích cấp tỉnh). Tuy nhiên, cho đến nay, Hải Dương chủ yếu được biết đến như một điểm “trung chuyển” trên tuyến du lịch quốc gia Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tích cực tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế, giá trị vùng đất, con người, hình ảnh các điểm đến để tạo sự lan toả, nhằm từng bước đưa du lịch Hải Dương đến được nhiều hơn với du khách và các đơn vị lữ hành bằng việc tạo liên kết vùng, liên kết các điểm đến, hình thành các tour tuyến du lịch trong tỉnh để giữ chân du khách ở lại trong thời gian dài hơn. Cụ thể như các tour: Côn Sơn-Kiếp Bạc (Chí Linh); An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn); đền Quát (Gia Lộc), đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện), đền Tranh, làng mộc Cúc Bồ (Ninh Giang); làng Tiến sĩ Mộ Trạch (Bình Giang), Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng)…

Mặc dù các tour này được các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch đánh giá cao song thời gian vẫn chỉ diễn ra trong ngày. Các doanh nghiệp lữ hành cũng chưa tiếp cận và khai thác tốt các tour tuyến này. Du khách tham gia du lịch tại Hải Dương vẫn chủ yếu mang tính tự phát, tự túc.

Bà Hoàng Thị Thúy, đại diện Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt (TP Hải Dương) cho rằng Hải Dương có nhiều điểm đến khá hấp dẫn, nhưng các doanh nghiệp du lịch khi cần thông tin về dịch vụ ở các điểm đến như: nhà hàng, khách sạn, đơn vị vận chuyển rất khó khăn do thiếu sự kết nối...


Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) luôn thu hút nhiều du khách tham quan. Ảnh: THÀNH CHUNG

Chủ động hợp tác, liên kết

Theo Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” được UBND tỉnh phê duyệt năm 2021, việc phát triển du lịch theo định hướng sẽ tạo “đột phá” trong phát triển du lịch Hải Dương, để Hải Dương từng bước trở thành “điểm đến” thay vì “điểm dừng chân” trên tuyến du lịch quốc gia và khu vực, hứa hẹn sẽ tăng ngày lưu trú và chi tiêu của khách du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế đạt tới 7.450 tỷ đồng vào năm 2025, gấp 3,7 lần năm 2019; năm 2030 có thể đạt tới 21.000 tỷ đồng.

Giải pháp là tăng cường liên kết để phát triển sản phẩm du lịch như khuyến khích liên kết giữa các địa phương trong cùng địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh; tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tour tuyến du lịch, xúc tiến quảng bá đầu tư và xây dựng thương hiệu du lịch. Hợp tác với các cơ quan Trung ương và liên kết với các tỉnh phụ cận trong lĩnh vực quy hoạch, xúc tiến đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống giao thông kết nối để thuận lợi phát triển sản phẩm du lịch. Tham gia vào các diễn đàn hợp tác của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, các nước khu vực ASEAN trong khuôn khổ các chương trình phát triển của khu vực và quốc tế; liên kết hợp tác với các địa phương của các quốc gia có ngành du lịch phát triển; liên kết để đặt văn phòng đại diện, chi nhánh du lịch bằng hình thức trực tuyến tại một số tỉnh, thành phố lớn…

Ông Nguyễn Minh Xô, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết hoạt động du lịch Hải Dương gần đây có nhiều khởi sắc, nhất là qua các sự kiện Tuần lễ Văn hóa, thể thao và du lịch chào mừng môn bóng bàn SEA Games 31 được tổ chức tại Hải Dương; chương trình xúc tiến thương mại vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu của Hải Dương hay các sự kiện như lễ hội thu hoạch cà rốt ở Cẩm Giàng, lễ hội thu hoạch lúa rươi hữu cơ tại Tứ Kỳ đã tạo được ấn tượng tốt đẹp và thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia...

Ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ những hạn chế của ngành du lịch Hải Dương trong thời gian qua là hạ tầng dịch vụ, vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú còn thiếu, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, việc kết nối còn gặp khó khăn, sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn, địa phương và doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ, thường xuyên; chưa có nhiều sản phẩm cụ thể, sản phẩm mới phù hợp theo từng loại hình và đối tượng khách...

Thời gian tới, để du lịch Hải Dương phát huy tốt giá trị cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, cần coi việc phát triển du lịch là cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội bên cạnh các ngành nghề khác. 

TRƯỜNG THÀNH