Tăng giá trị cho cây vải

Góc nhìn - Ngày đăng : 22:16, 18/06/2022

Hải Dương hoàn toàn có thể khai thác du lịch mùa vải chín và tăng giá trị cho vùng đất Thanh Hà từ việc bán những sản phẩm được chế biến từ quả vải.


Đi thuyền ngắm vải chín là một điểm mới trong du lịch sinh thái ở vùng vải Thanh Hà 

Khi những chùm vải thiều chín đỏ soi bóng xuống dòng sông Đồng Mẩn cũng là lúc du khách khắp nơi háo hức về thăm miệt vườn xứ vải Thanh Hà. Những năm gần đây ngoài niềm vui vải được mùa, được giá, nông dân Thanh Hà còn có thêm niềm tự hào được chọn là điểm đến của nhiều du khách muốn trải nghiệm không khí đồng quê. Đặc biệt mùa vải năm nay, Thanh Hà đón rất nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm. Như vậy, bên cạnh quả vải, giá trị vô hình đi kèm của mảnh đất trồng vải cần được quan tâm đầu tư, khai thác tốt hơn nữa.

Nhiều người đi du lịch Hàn Quốc đã được tham gia tour tìm hiểu về nhân sâm, một sản phẩm nổi tiếng và có giá trị của đất nước này. Ngoài việc được hiểu về nguồn gốc, quá trình phát triển của cây nhân sâm, du khách còn được tham quam quá trình trồng, chăm sóc cây, được mua sâm và những sản phẩm chế biến từ cây này về làm quà. Cách làm du lịch chuyên nghiệp của Hàn Quốc đã khiến không ít du khách quay lại nhiều lần.

Quả vải thiều không chỉ là đặc sản của Thanh Hà mà còn là loại quả mang thương hiệu của Hải Dương. Xa xưa vải thiều là sản vật tiến vua. Ngày nay loại quả này còn được ghi danh là đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) được Hội Kỷ lục Việt Nam xác lập là cây vải thiều lâu năm nhất, là cây vải tổ của giống vải thiều đang được trồng tại nhiều vùng miền trong cả nước hiện nay.

Chừng ấy thông tin cho thấy, Hải Dương hoàn toàn có thể khai thác du lịch mùa vải chín và tăng giá trị cho vùng đất này từ việc bán những sản phẩm được chế biến từ quả vải. Những trái vải thơm ngon được chế biến thành nước ép vải, kẹo vải, mứt vải, rượu vải... cũng là những sản vật bước đầu được du khách ưa chuộng. Vào mùa hoa vải, những chai mật ong đặc sánh, vàng ươm, ngọt ngào cũng là thức quà mà du khách khó có thể bỏ qua khi về với đất vải Thanh Hà.

Vài năm trở lại đây thương hiệu quả vải Thanh Hà không chỉ được quảng bá ở trong nước mà đã vươn tầm thế giới. Loại quả này đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới trong đó có cả những thị trường lớn và tiềm năng như Nhật Bản, Mỹ, Australia... Khi người dân biết đến trái vải thì nhu cầu được đến tận nơi trồng ra loại quả ngọt lành này là điều dễ hiểu. Như vậy du lịch trải nghiệm mùa vải hoàn hoàn có thể khai thác, phát triển tốt.

Để có thể khai thác du lịch mùa vải trước hết phải có sự quan tâm hơn của các cấp, các ngành nhất là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khai thác du lịch gắn với đặc sản vải thiều phải có sự đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất lẫn xây dựng hình ảnh, thương hiệu và quảng bá hình ảnh du lịch. Du khách đến Thanh Hà mùa vải phải biết được mình cần tới nơi nào, ăn uống, trải nghiệm những gì?

Cuối năm 2016, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch sinh thái sông Hương-Thanh Hà. Đây là cơ hội quan trọng để địa phương này có thể chú tâm khai thác tiềm năng du lịch nơi đây. UBND huyện Thanh Hà cũng đã phê duyệt Đề án "Phát triển các điểm du lịch sinh thái sông Hương trên địa bàn huyện Thanh Hà giai đoạn 2021-2025".

Trong khuôn khổ Tuần lễ Xúc tiến thương mại và du lịch, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thi hái vải với sự tham gia của các nghệ sĩ, vận động viên bóng đá, bóng bàn nổi tiếng. Lễ hội "Việt Nam 2022” tại Nhật Bản vừa được tổ chức, Công ty CP Ameii Việt Nam và các đối tác Nhật Bản đã lựa chọn vải thiều Thanh Hà trưng bày tại lễ hội này. Mới đây, tỉnh cũng đã quan tâm đưa các đoàn khách quốc tế về thăm vùng vải và tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu quả vải ở trong, ngoài tỉnh. Đây cũng chính là cơ hội tốt cho phát triển du lịch vùng vải.  

HẢI MINH