Vợ chồng bác sĩ trẻ nhiệt tình hoạt động tình nguyện ở Angola
Việc tử tế - Ngày đăng : 09:30, 19/06/2022
Nhiều hình ảnh về con người, đất nước Angola được anh chị Quỳnh - Quyết chia sẻ qua kênh YouTube
7 năm trước, chị Nguyễn Thị Quỳnh (sinh năm 1990, quê ở Chí Linh, Hải Dương) và chồng là anh Nguyễn Xuân Quyết (sinh năm 1990, quê Thanh Hoá) đã viết đơn tình nguyện sang Angola làm việc theo chương trình hợp tác của Bộ Y tế.
Tình yêu bị ngăn cấm nay đã “đơm hoa”
Hiện 2 vợ chồng anh chị đang làm chuyên gia y tế của bệnh viện ở tỉnh Cuanza Norte, Angola. Bên cạnh công việc khám chữa bệnh cho người dân, anh chị thường xuyên giới thiệu về cuộc sống và con người Angola, đồng thời mang bản sắc văn hóa Việt đến gần hơn với người dân châu Phi qua kênh YouTube 2Q Vlogs - Cuộc Sống Châu Phi.
Chị Quỳnh cho biết, trước đây, khi đang học ĐH Y Dược Hải Phòng, chị gặp và yêu anh Quyết. Thời điểm ấy, gia đình chị ngăn cấm, không muốn chị yêu anh Quyết. Gia đình muốn chị sang Angola để tách mối quan hệ của họ. Nhưng khi chị Quỳnh chưa kịp sang Angola thì anh Quyết đã sang trước.
Anh Quyết nhớ lại: "Sau khi mình sang Angola được 10 tháng thì vợ mình sang. Sau đó, cả hai gia đình mới phát hiện ra".
Chia sẻ về những khó khăn ở nước bạn, anh chị cho biết hồi mới sang rất bỡ ngỡ vì những khác biệt về văn hóa, con người ở nơi đây, cơ sở vật chất thiếu thốn hơn Việt Nam rất nhiều. Hai người mất một năm để học tiếng Bồ Đào Nha, các kỹ năng sinh tồn trong môi trường địa lý, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh.
Điều làm cô gái Hải Dương sợ nhất ở Angola là cướp bóc và bệnh sốt rét. Khi mới sang nước bạn, chị đã trải qua 2 lần mắc sốt rét, nên chị luôn sợ ốm hơn là sợ thiếu thốn về vật chất.
Sang Angola được 3 năm, anh chị mới xin phép gia đình cho lấy nhau. Sau khi về Việt Nam sinh em bé chị lại quay sang Angola khi con vừa tròn 10 tháng tuổi. Gửi lại con bé cho ông bà ngoại ở Hải Dương chăm sóc, anh chị lại sát cánh bên nhau để thực hiện sứ mệnh nhân đạo.
Vẫn chọn hỗ trợ người dân Angola
Hiện tại, anh Quyết là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, làm nhiệm vụ chụp X-quang và siêu âm chính của bệnh viện. Chị Quỳnh cũng là bác sĩ chuyên khoa mắt duy nhất tại đây.
Một ngày làm việc của anh chị bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Ngoài giờ hành chính là các buổi trực xen kẽ. Đây cũng là bệnh viện duy nhất của địa phương, thường có nhiều ca cấp cứu ngoài giờ, nên các bác sĩ như anh chị luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”.
Khi dịch Covid -19 phức tạp, anh chị luôn sát cánh cùng các đồng nghiệp nước bạn chống dịch, chăm lo cứu chữa cho người dân.
Anh chị đang sống trong căn nhà do phía bệnh viện cấp. Với kinh nghiệm làm nông nghiệp của bản thân, anh chị tự tăng gia, phủ xanh khuôn viên bên ngoài ngôi nhà, tự trồng các loại cây và rau cải bắp, mướp đắng, ngô, lạc, đu đủ… và nuôi thêm một đàn gà nhỏ.
Trong những năm làm việc ở Angola, anh chị đã giúp đỡ được rất nhiều người dân nơi đây. Nhưng ấn tượng nhất là giúp đỡ gia đình người bạn tên Antony. Do thấy gia đình Antony quá nghèo, đi làm suốt ngày mà không đủ đồ ăn, hầu như gia đình chỉ ăn chuối luộc, anh Quyết tranh thủ giờ nghỉ đến tận nhà hướng dẫn cách làm đồ ăn, trồng trọt, xây dựng một số công trình... Cuộc sống của gia đình người bạn dần khấm khá, không còn thiếu ăn. Họ đã biết thâm canh trồng trọt, chăn nuôi để tự cung, tự cấp.
Thỉnh thoảng, vào ngày nghỉ, anh chị làm đồ ăn Việt Nam như nem rán, các loại nộm, đồ chiên rán... mời người dân Angola ăn. Để lưu giữ những kỷ niệm về con người, đất nước Angola, anh chị lập ra kênh YouTube để quay lại cuộc sống nơi đây. Trong quá trình làm chương trình, nếu gặp trường hợp nào khó khăn anh đều tìm cách giúp đỡ. Hiện tại, kênh YouTube của anh chị đã đạt 200.000 lượt đăng ký theo dõi và phát triển khá đều đặn.
Sau 2 năm ảnh hưởng vì dịch Covid-19, đầu tháng 6 vừa qua, đôi vợ chồng trẻ nghỉ phép, trở về quê hương thăm gia đình và cô con gái nhỏ. Anh Quyết cho biết, nếu kịp làm hộ chiếu cho con gái, dự kiến vào giữa tháng 7 này, gia đình nhỏ ba người sẽ quay trở lại Angola.
Nói về tâm nguyện được gắn bó ở Angola, anh Quyết cho biết vì người dân ở đây còn rất khó khăn, nhưng họ luôn nồng nhiệt chào đón những cán bộ y tế. Chỉ cần nghe nói khách là bác sĩ, họ đã quý lắm. Khi biết là người Việt Nam, họ càng quý mến, cảm phục hơn.
LINH LINH