Nghề nguy hiểm

Xã hội - Ngày đăng : 10:45, 20/06/2022

Để chuyển tải được thông tin đa chiều, khách quan, chân thực tới công chúng, những người làm báo phải nỗ lực vượt qua khó khăn trong tác nghiệp, thậm chí phải đối mặt với hiểm nguy.


Trong lúc dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương, các phóng viên không ngại nguy hiểm, có mặt tại vùng dịch để kịp thời thông tin đến bạn đọc. Ảnh: NHÂN CHÍNH

“Điều tra về sai phạm, bị đối tượng phát hiện, nghi ngờ còn thót tim hơn là bản thân đang vi phạm”, đó là chia sẻ của phóng viên Nguyễn Lan (Báo Hải Dương) sau những lần trải nghiệm hiểm nguy trong quá trình tác nghiệp. Phụ trách tuyên truyền lĩnh vực doanh nghiệp rồi tài nguyên và môi trường với nhiều điểm nóng vi phạm liên quan đến đất đai, khoáng sản, ô nhiễm môi trường, chị Lan luôn đi sâu tìm hiểu để làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Lăn lộn ở nơi có vụ việc phức tạp với phóng viên nam đã vất vả thì nhiệm vụ này với phóng viên nữ càng nặng nề hơn. Nhiều lần chị bị gây khó dễ khi tác nghiệp, bị dọa đập máy ảnh, rồi gây sự... Nếu không vững tâm lý, có kỹ năng nghiệp vụ tốt thì sẽ rơi vào trạng thái lo lắng, hoảng sợ, không làm tốt nhiệm vụ. Vì thế, thay vì né tránh, chị chọn đối mặt với nguy hiểm, rèn luyện bản lĩnh để có những tuyến bài điều tra phê bình xác đáng, được dư luận quan tâm.

18 năm theo nghề báo cũng là từng ấy thời gian phóng viên Ngọc Tiến (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) nhận nhiệm vụ phản ánh theo đơn thư, kiến nghị của người dân. Theo anh Tiến, công việc của anh đặc thù hơn so với các đồng nghiệp khác vì chủ yếu liên quan tới sai phạm, động chạm tới nhiều đơn vị, cá nhân. Để thu thập tài liệu, khai thác thông tin là điều không đơn giản. Từ việc theo đuổi vụ việc vi phạm đất đai, khai thác cát trái phép, ô nhiễm môi trường hay thâm nhập vào đường dây kinh doanh thực phẩm chức năng kém chất lượng... anh Tiến đều luôn phải thận trọng, cảnh giác khi tác nghiệp. Không ít lần điều tra về sai phạm, anh bị nhắn tin đe dọa, yêu cầu từ bỏ tiếp cận vụ việc.

Kỷ niệm nghề khó quên nhất của anh Tiến là khi ghi hình “cát tặc” trên sông Thái Bình thuộc địa phận TP Hải Dương, anh Tiến bị đối tượng phát hiện, chặn các ngả đường giữa đêm. Để bảo đảm an toàn, anh phải nhờ thuyền người dân đi về phía cầu Phú Lương. “Biết là nguy hiểm nhưng nếu không dấn thân thì sẽ không có được thông tin, hình ảnh chân thực nhất và sai phạm sẽ khó bị phơi bày”, anh Tiến cho hay.

Bị rơi xuống sông khi đang tác nghiệp có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hơn 20 năm làm nghề của phóng viên Lê Sơn ở Đài Phát thanh huyện Cẩm Giàng. Nguy hiểm không những đến từ đối tượng bị điều tra, phản ánh mà còn là những rủi ro trong lúc làm việc. Năm 2018, anh được giao nhiệm vụ phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thái Bình thuộc địa phận xã Đức Chính. Anh Sơn có mặt tại chòi canh “cát tặc” của người dân bất kể ngày đêm. Đến khi tàu cát xuất hiện, trong lúc từ xuồng lên tàu để ghi hình, anh bị trượt chân ngã xuống sông và may mắn được lực lượng công an đi cùng trợ giúp. “Gặp tai nạn trên đường đi cơ sở, tác nghiệp lúc đêm hôm hay khi trời mưa to, gió lớn... cũng gia tăng rủi ro cho những người làm báo”, anh Sơn nói.

Trong các đợt dịch Covid-19, bên cạnh những chiến sĩ áo trắng thì nơi tuyến đầu chống dịch còn có sự sát cánh của đội ngũ phóng viên. Biết rằng sẽ khó khăn, sẽ nguy hiểm nhưng họ vẫn luôn lăn xả, trách nhiệm, nhiệt tình để đưa thông tin nhanh chóng, chính xác về tình hình dịch bệnh đến bạn đọc. Mỗi lần vào các điểm cách ly tập trung hay cơ sở điều trị bệnh nhân là một lần nguy hiểm vì nguy cơ nhiễm bệnh cận kề. Thế nhưng không vì thế mà nhà báo Mạnh Tú (Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Dương) cùng các nhà báo nề hà. Họ vẫn sẵn sàng đi vào tâm dịch để thực hiện nhiệm vụ. Theo quan điểm của anh Tú, làm báo là nghề nguy hiểm nên người làm báo phải không ngại hiểm nguy.

Nghề báo luôn chứa đựng nhiều rủi ro, nguy hiểm nhưng đổi lại nếu biết cách khắc phục, vượt qua thì lại đạt được thành quả xứng đáng. Trong đó, thành quả ngọt ngào nhất chính là sự ghi nhận của bạn đọc.

 HOÀNG LINH