Sâu nặng với Báo Hải Dương

Chính trị - Ngày đăng : 12:57, 20/06/2022

Đồng hành với Báo Hải Dương những năm qua có nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực, các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ... Họ không chỉ là bạn đọc thân thiết mà còn là cộng tác viên tích cực cùng góp phần cho sự phát triển của tờ báo.


Báo Hải Dương trao tặng xe đạp cho 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Cung cấp thông tin chính thống cho bạn đọc

Vừa là bạn đọc, vừa là cộng tác viên của tờ báo, thời gian qua tôi thấy Báo Hải Dương có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Tờ báo đã có thêm những chuyên mục hấp dẫn hơn. Đặc biệt, trên báo điện tử Hải Dương thông tin được đăng tải nhanh chóng, kịp thời. Bắt kịp xu thế thời đại 4.0, tôi thấy Báo Hải Dương đã phát triển nội dung trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube, Zalo, TikTok thu hút nhiều người theo dõi, quan tâm.

Tham gia tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến người cao tuổi, tôi thường xuyên đọc báo Hải Dương để cập nhật tin tức, tìm hiểu những chủ trương, chính sách mới của tỉnh. Qua những thông tin đó giúp chúng tôi hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách với người cao tuổi đúng và phù hợp.

Những năm qua, không chỉ với riêng tôi mà với nhiều người cao tuổi trong tỉnh, luôn coi báo Hải Dương là nguồn cung cấp thông tin tin cậy. Báo đăng tải kịp thời nhiều sự kiện, vấn đề thời sự trong tỉnh, trong nước. Người cao tuổi không chỉ đọc để nâng cao hiểu biết mà qua đó còn biết cách hướng dẫn con cháu làm ăn, chấp hành đúng pháp luật.

Tôi mong báo Hải Dương ngày càng phát triển, xứng đáng là nơi cung cấp thông tin chính thống, tin cậy cho bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Để thu hút nhiều bạn đọc hơn nữa, báo Hải Dương cần có thêm các loạt bài phản ánh những vấn đề đáng quan tâm của xã hội hiện nay như: chính sách an sinh cho người dân; chế độ bảo hiểm xã hội; giới thiệu những mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với sản xuất hàng hóa; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tệ nạn xã hội; ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn; phát triển hạ tầng đô thị… 

LƯƠNG ANH TẾ
Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh


Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôi là một cộng tác viên, độc giả trung thành của báo Hải Dương. Hằng ngày khi ngồi vào bàn làm việc, công việc đầu tiên của tôi là mở báo điện tử Hải Dương để đọc; đồng thời chiếc điện thoại của tôi cũng đăng ký theo dõi Fanpage Báo Hải Dương. Điều mà tôi thấy ấn tượng và khá thích là báo cập nhật thông tin rất nhanh nhạy, kịp thời. Tôi vừa đọc vừa nghiên cứu để nắm bắt thông tin, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều bài viết của báo có chất lượng, có tính định hướng chỉ đạo cao. Nhờ vậy, dù công tác ở tỉnh ngoài nhưng tôi nắm khá chắc những vấn đề đang diễn ra ở quê mình.

Thời gian qua, báo Hải Dương đã tuyên truyền kịp thời, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tờ báo cũng tuyên truyền sâu rộng việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Mặc dù tờ báo đã có sự chuyển biến rõ nét, có thể nói là "đột phá" trong việc nâng cao chất lượng tin, bài, phát hiện và biểu dương nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến, nhưng báo vẫn cần nâng cao tính chiến đấu mạnh mẽ hơn nữa, đấu tranh chống bệnh hình thức, chống các biểu hiện tiêu cực. Cần đẩy mạnh đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ đó có những định hướng cho nhân dân hiểu và nhận biết sâu sắc các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các phần tử cơ hội chính trị hiện nay, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

NGUYỄN THANH(Báo Quân khu 3)

Qua báo điện tử Hải Dương thấy quê hương thật gần gũi

Tôi sống và làm việc ở Thủ đô Wellington của New Zealand đã 14 năm. Công việc hằng ngày của tôi là làm dịch vụ chăm sóc, làm đẹp móng. Trước đây, ngoài thời gian làm việc, về nhà tôi chỉ biết loanh quanh lo việc bếp núc, chăm sóc con cái. Hiếm lắm mới có dịp tụ tập với anh chị em đồng hương người Việt cùng sinh sống bên này. Mọi thông tin về gia đình, quê hương chỉ biết qua những lần tụ họp ấy hoặc qua các cuộc điện thoại. Từ khi sử dụng mạng xã hội Facebook, nhất là gần đây tôi thấy bạn bè, người thân ở quê nhà thỉnh thoảng có chia sẻ những bài viết ở báo điện tử Hải Dương. Thấy hay nên tôi vào đọc. Dần dần, tôi không chỉ đọc những thông tin được bạn bè, người thân chia sẻ mà khi rảnh tôi vào xem trực tiếp trên báo. Tôi thấy các chuyên mục trên báo rất sinh động, có nhiều thông tin bổ ích, gần gũi với đời sống. Thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt có lúc TP Hải Dương là tâm dịch, tôi rất lo lắng vì nhà tôi vẫn còn mẹ già sống một mình. Nhưng qua báo, tôi thấy tỉnh rất tích cực phòng chống dịch, người dân quan tâm san sẻ, đùm bọc nhau như cung cấp nhu yếu phẩm cho những khu vực bị cách ly, giúp bà con bị cách ly thu hoạch rau màu… khiến cho tôi rất cảm động. Ở nước ngoài sinh sống đã nhiều năm, tôi không thấy nơi nào tình người ấm áp như ở quê mình.

Gần đây, tôi còn được bạn mời theo dõi trang Fanpage của báo. Tôi rất thích những live stream mà báo làm, nhất là live stream về lễ hội mở vườn vải. Lâu lắm rồi tôi không được về quê vào mùa vải nên nhớ lắm. Nghe nói vải thiều Hải Dương đã xuất sang nhiều nước châu Âu nhưng tiếc là chỗ tôi chưa có. Vì thế, qua live stream của báo Hải Dương, tôi phần nào thỏa nỗi nhớ quê nhà. Những thông tin trên báo điện tử Hải Dương giúp tôi thấy quê hương thật gần gũi.

LÂM THU HƯƠNG
(Wellington, New Zealand)

“Bà đỡ” cho nhiều tác phẩm của cộng tác viên

Gần 20 năm cộng tác với Báo Hải Dương đã giúp tôi trưởng thành hơn nhiều. Báo Hải Dương trở thành “bà đỡ” cho những tác phẩm của tôi. Từ lúc chỉ thỉnh thoảng có vài tin ngắn trên báo thì nay tần suất tin, bài của tôi được đăng tải nhiều hơn. Số tiền nhuận bút tôi được Báo Hải Dương trả có tháng bằng cả tháng lương ở nơi tôi công tác.

Báo Hải Dương rất trân trọng cộng tác viên. Lãnh đạo tòa soạn luôn tạo điều kiện tốt nhất để cộng tác viên có tác phẩm được đăng báo. Khi được hỗ trợ nhiệt tình như vậy, bản thân tôi tự thấy phải có trách nhiệm hơn đối với mỗi tác phẩm của mình. Trước khi gửi tin, bài tôi thường rà soát lại nhiều lần để không bị sai sót. Những tin, bài thời sự, tôi đều cố gắng thu thập thông tin nhanh nhất có thể để kịp thời viết bài đăng báo, nhất là những thông tin liên quan đến dịch Covid-19.

Tôi cũng không ngần ngại phối hợp, trao đổi thông tin với phóng viên hay biên tập viên của Báo Hải Dương khi phối hợp viết hoặc biên tập tin, bài.  

NGUYỄN ĐỨC THÀNH
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Được người dân tin tưởng

Tháng 10.2019, theo thông tin phản ánh của người dân, tôi về phường Bến Tắm (Chí Linh) tìm hiểu về một gia đình sĩ quan quân đội có điều kiện kinh tế nhưng lại thuộc diện hộ nghèo ở địa phương trong nhiều năm liền, gây bức xúc dư luận. Để có được thông tin chính xác, tôi phải làm việc với nhiều bên từ chính quyền TP Chí Linh, chính quyền phường Bến Tắm, nguyên cán bộ khu dân cư phụ trách thời điểm xét duyệt cho hộ nghèo đó và người dân phường Bến Tắm. Đến trưa, thấy nhà báo còn bận tác nghiệp, một số người dân đã gom góp nấu cơm mời. Dù rất trân trọng tình cảm của người dân nhưng tôi vẫn phải từ chối bữa ăn đó, không muốn vì bất cứ lý do nào dù là nhỏ nhất mà bài viết của mình bị cho là thiếu khách quan.

Sau khi thu thập đủ thông tin tôi đã viết bài “Chuyện lạ ở Bến Tắm: Gia đình sĩ quan quân đội nghỉ hưu là hộ nghèo” đăng trên báo Hải Dương. Có thể nói bài báo là một trong những yếu tố thúc đẩy phường Bến Tắm xử lý nghiêm những người để xảy ra vi phạm ngay sau đó.

Dù là bài phê bình nhưng tôi vẫn ký tên thật của mình dưới bài viết. Bất ngờ là sau đó tôi nhận được một lá thư dày cộp ghi rõ gửi nhà báo Thanh Nga (Báo Hải Dương). Lúc mở ra tôi mới biết đây là bức thư của một số người dân ở phường bên cạnh phường Bến Tắm. Trong đó nói rõ rằng tôi đã phản ánh rất đúng vấn đề vi phạm hộ nghèo ở phường Bến Tắm nên họ tin tưởng và gửi đơn nhờ tôi về phản ánh giúp một số vấn đề bức xúc ở địa phương. Tuy nhiên do đây không phải là mảng tôi phụ trách nên sau đó Ban Biên tập đã phân công một phóng viên khác tìm hiểu.

Qua sự việc ấy tôi càng thấm thía hơn về trách nhiệm của người cầm bút, làm việc hết mình thì chắc chắn sẽ nhận được sự tin tưởng của nhân dân.

THANH NGA

Bài viết đầu tiên trên tờ tin Hải Dương

Quê nội tôi ở huyện Thanh Hà, quê ngoại ở làng Thượng Cốc, xã Gia Khánh (Gia Lộc). Hôm ấy là vào một ngày đầu hè năm 1961 tôi về thăm quê ngoại. Làng Đò (xã Hoàng Diệu) và làng Thượng Cốc chung một cánh đồng. Thời ấy, phong trào HTX nông nghiệp lên rất cao, nhà nhà chung tay, chung sức chăm bón ruộng đồng. Không hiểu sao trên cánh đồng làng Đò có chiếc máy bơm nước diesel tưới tiêu cho đồng lúa lại không có người trông nom, không có lều quán, không che đậy, trông cảnh mà xót xa cho tài sản tập thể.

Tối hôm đó tại quê ngoại, tôi ngồi viết một mạch bài thơ châm biếm góp ý về chiếc máy bơm. Bài thơ ngắn gọn chỉ có vài khổ lục bát, bây giờ tôi vẫn nhớ như in: “Trên đường từ Cốc xuống Đò/Có chiếc bơm nước nằm co giữa đồng/Lều không, phên đạy cũng không/Mưa sa gió táp mặc lòng ai hay/Nhắn cùng hợp tác nào đây/Không bảo quản tốt có ngày đi tong!”.

Bài thơ có đầu đề là “Có ngày đi tong”, được gửi qua đường bưu điện, chỉ 5 ngày sau được in trên tờ tin Hải Dương (tiền thân của báo Hải Dương mới). Tôi vui mừng khôn xiết, không ngờ bài viết đầu tay lại được ưu ái thế. Điều đáng vui hơn là sau đó HTX Nông nghiệp Hoàng Diệu đã cho làm lều bảo vệ máy.

Tôi đã viết hàng trăm bài báo, bài thơ, nhưng bài đầu tiên ấy, tôi vẫn trân quý thuộc lòng cho đến bây giờ, kể đã là 61 năm, khi đó tôi đang là học sinh lớp 7, kỷ niệm đẹp biết bao!

NGUYỄN NGỌC SAN
(xã Thanh Quang, Thanh Hà)

Từ chối khoản “lót tay” khi viết phê bình

Tháng 4.2019, người dân xã Trùng Khánh (Gia Lộc) bức xúc do Trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn của xã cung cấp nước nhiều lúc bị đục, lắng cặn. Sau khi phỏng vấn người dân và chính quyền địa phương, tôi tìm gặp trạm trưởng trạm cấp nước trên. Người này hẹn gặp tôi ở một quán cà phê gần cơ quan và khẳng định nước do trạm cấp bảo đảm chất lượng. Kết thúc buổi làm việc, người này có gửi tôi 1 phong bì để “cảm ơn” nhưng tôi không nhận. Anh còn cố kéo tay, theo tôi ra nơi để xe định dúi phong bì nhưng tôi nhất quyết từ chối.

Tác phẩm của tôi sau đó đã chỉ ra những hạn chế, thông tin kết quả giám sát chất lượng nước của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thì nước do trạm trên cấp có một số chỉ tiêu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) của Bộ Y tế, không bảo đảm chất lượng để ăn uống. Bài viết cũng đề xuất giải pháp sớm chuyển nguồn nước để người dân được sử dụng nước ăn uống, sinh hoạt bảo đảm chất lượng.

Việc không nhận tiền của doanh nghiệp giúp tôi phản ánh thông tin khách quan, trung thực, nêu được bức xúc của người dân và góp phần cải thiện đời sống của họ. Tôi cảm thấy tự hào với nghề mình đã chọn.

BÌNH AN

Giúp 2 cháu bé có giấy khai sinh

Khoảng cuối tháng 9.2021, trong một lần xuống cơ sở làm việc, tôi nắm được thông tin 2 cháu bé là Bùi Bảo An (sinh năm 2011) và Bùi Cẩm Tú (sinh năm 2014), con anh Bùi Đức Đán ở thôn Đồng Tâm, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) chưa có giấy khai sinh.

Tôi khá ngạc nhiên về 2 trường hợp này bởi lẽ đây là giấy tờ đầu tiên và quan trọng nhất đối với mỗi con người, nếu không có giấy này thì mọi hoạt động về sau sẽ khó thực hiện. Tôi đã thực hiện bài viết “2 học sinh ở xã Tiên Động chưa có giấy khai sinh” đăng trên báo Hải Dương ngày 8.10.2021. Bài viết đã lý giải nguyên nhân khách quan, chủ quan vì sao trong nhiều năm hai cháu bé chưa được cấp giấy khai sinh. Nguyên nhân do cán bộ ở xã Tiên Động yêu cầu gia đình anh Đán phải có giấy xét nghiệm ADN để chứng minh anh Đán và 2 cháu bé cùng huyết thống. Tuy nhiên, về sau này, quy định này không còn cần thiết nữa nhưng cán bộ xã Tiên Động chưa cập nhật kịp thời và không thông báo cho gia đình anh Đán biết.

Sau bài viết, UBND xã Tiên Động đã làm việc với anh Đán và hướng dẫn anh làm các loại giấy tờ, thủ tục để cấp giấy khai sinh cho 2 cháu bé. Gần 2 tháng sau đó, anh Đán vui mừng báo tin cho tôi 2 cháu đã được UBND xã Tiên Động cấp giấy khai sinh. Từ đây, các cháu sẽ có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình và quyền lợi được bảo đảm.

Với một người làm báo, niềm vui lớn nhất là sau khi bài báo được đăng tải đã có tác động tích cực đến các cấp chính quyền, người dân, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc. Tôi rất vui vì đã giúp được 2 cháu bé có giấy khai sinh để “vào đời”.

THANH HÀ