Khi báo chí "cưỡi ngọn sóng công nghệ"

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:29, 21/06/2022

Không chỉ ở Việt Nam, chuyển đổi số (digital transformation) cũng đang là đề tài được luận bàn sôi nổi trên bình diện thế giới. Một số cơ quan báo chí đã có bước tiến rất xa.


Nhưng cũng không ít tờ báo đang tụt lại phía sau, thậm chí không biết chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu…

Lấy độc giả làm trung tâm

Trong báo cáo về chuyển đổi số (CĐS) do Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) công bố hồi đầu năm nay, có tới 12% các cơ quan báo chí được khảo sát nói rằng họ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua, hay nói đúng hơn là xu thế phát triển tất yếu của báo chí. Khi đọc báo cáo đó, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí hẳn sẽ giật mình, không biết mình đang đứng ở đâu trên hành trình CĐS?

Một báo cáo khác của WAN-IFRA cho thấy hầu hết các cơ quan báo chí ở khu vực Đông Nam Á, gồm cả Việt Nam vẫn mang nặng tư duy “text based” (tạm gọi là vẫn quá phụ thuộc vào văn bản). Nhiều cơ quan báo chí đã tiêu tốn quá nhiều vào việc mua các trang thiết bị đắt tiền nhưng hiệu quả đem lại thì không cao khi vẫn tác nghiệp hay sản xuất báo chí theo những phương thức truyền thống. Và nói như ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân thì có nhiều người đang nhầm lẫn giữa số hóa với CĐS.

Vậy lời khuyên đầu tiên của các chuyên gia dành cho các cơ quan báo chí khi thực hiện CĐS là gì? Câu trả lời nằm ở cụm từ “Audience First”, đã được nhiều tờ báo nổi tiếng in thật to và trang trọng ở tòa soạn, để mỗi phóng viên, biên tập viên cũng như độc giả đều nhìn thấy trước tiên khi đến làm việc tại cơ quan báo chí đó.

Khái niệm “Audience First” được nhiều tòa báo diễn giải bằng câu “độc giả là trên hết” hoặc “phụng sự độc giả”. Nhưng nó lại chưa bao hàm đủ các lớp ý nghĩa nên nhiều chuyên gia đã bổ sung thêm một khái niệm nữa là “Reader centric”, có nghĩa là “lấy độc giả làm trung tâm”. Đã qua rồi cái thời cả nước ngồi xem một bản tin thời sự hoặc báo chí đăng gì thì độc giả đọc nấy. Công chúng giờ đây có quá nhiều sự lựa chọn và người đọc từ già đến trẻ đều có xu hướng “di cư” lên các nền tảng số. Thống kê của Kepios công bố tháng 2.2022 cho thấy có tới 72% số dân Việt Nam tiếp cận với internet và số tài khoản mạng xã hội tương đương với 76% số dân.

Trong bối cảnh đó, nếu báo chí dừng lại ở những nền tảng truyền thống thì nguy cơ đánh mất độc giả hoặc không tiếp cận được với đông đảo công chúng. Người làm báo không thể chủ quan suy nghĩ rằng bài báo của mình rất hay, sẽ thu hút được nhiều độc giả. Thực tế cho thấy, báo in đang đối mặt với tình trạng sống còn, báo điện tử cũng không thể tăng được lưu lượng người đọc ngay cả trong thời điểm mà nhiều người nghĩ rằng nếu ở trong nhà vì giãn cách xã hội, người dân sẽ tìm đến các báo chính thống. Trên thực tế, công chúng lại đổ tới Facebook, YouTube, TikTok… nơi họ không chỉ được tiếp cận luồng thông tin đa dạng, mà còn có thể thoải mái bày tỏ cảm xúc, chính kiến thông qua nút like, bình luận hay chia sẻ...

“Độc giả ở đâu, báo chí sẽ đi tới đó”, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ nhấn mạnh trong hội thảo “CĐS để phục vụ bạn đọc tốt hơn” trong khuôn khổ Hội Báo xuân tổ chức tại Hà Nội tháng 4 vừa qua.

Nhưng phải hiểu độc giả của mình là ai

Tuy vậy, nếu CĐS chỉ đơn giản là di cư lên các nền tảng số thì các cơ quan báo chí cũng rất dễ mất phương hướng hoặc bị ngợp trong một môi trường đầy tính cạnh tranh, với sự xuất hiện của quá nhiều nhân tố mới. 

Theo báo cáo của Viện Báo chí Reuters và Đại học Oxford, trong kỷ nguyên Web 3.0 như hiện nay, chính người dùng cũng có thể sáng tạo nội dung và kiếm được lợi nhuận. Theo bảng giá của các Agency quảng cáo, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hiện giờ có giá “đi bài” còn cao hơn cả nhiều cơ quan báo chí hàng đầu, bởi đơn giản là họ tiếp cận được với số lượng độc giả lớn hơn nhiều tờ báo cộng lại.

Vì thế, nếu không hiểu độc giả của mình là ai, báo chí sẽ càng trở nên thất thế. Trong khi đó, khái niệm “lấy độc giả làm trung tâm” này trùng khớp với định nghĩa về quá trình phát triển của báo chí kỹ thuật số. Theo đấy, kỷ nguyên số trong báo chí được chia làm bốn giai đoạn, từ các cổng portal của những năm 1990 (tiêu biểu là Yahoo hay AOL), qua giai đoạn bùng nổ của công cụ tìm kiếm (Google thống trị), đến sự trỗi dậy của truyền thông xã hội (social media). Và giờ, truyền thông số đang ở giai đoạn được gọi là SaaS (Stories as a Service).

Chuyên gia Thomas Jacob, Trưởng Văn phòng điều hành của WAN-IFRA giải thích: “SaaS nghĩa là xây dựng mối quan hệ mới với độc giả thông qua việc sử dụng dữ liệu, nhằm tăng cường trải nghiệm cho độc giả”.

Nói một cách đơn giản, việc thu thập rồi phân tích dữ liệu độc giả đơn giản là nhằm hiểu rõ đối tượng công chúng mà mình đang phục vụ là những ai, chẳng hạn về tỷ lệ giới tính, nghề nghiệp, quan tâm đến nội dung gì... Từ những kết quả phân tích ấy, các cơ quan báo chí có thể đề ra những chiến lược nội dung, chiến lược kinh doanh phù hợp. 

Bên cạnh đó, với việc tăng cường trải nghiệm cho độc giả, báo chí không chỉ giữ chân được độc giả trung thành mà còn phát triển được lượng độc giả mới thông qua những công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo hoặc tự động hóa. Theo cuốn Sáng tạo báo chí do Mạng lưới truyền thông quốc tế FIPP ấn hành, giữ chân độc giả trung thành chính là bước đầu tiên giúp các cơ quan báo chí có thể tìm kiếm doanh thu từ độc giả và đó mới là bước phát triển bền vững của báo chí.

Đa dạng hóa nguồn thu, có chiến lược cho mobile 

Đa dạng hóa nguồn thu cũng là một lời khuyên khác được các chuyên gia khuyến nghị. Thậm chí, WAN-IFRA đã lập ra một giải thưởng mới ở hạng mục này tại giải báo chí được trao thường niên. Các cuộc hội thảo, hình thức online lẫn trực tiếp, sản xuất game, làm agency, thương mại điện tử, kinh doanh dữ liệu, thậm chí là tổ chức series giải chạy marathon… là những gì mà báo chí thế giới lẫn Việt Nam đẩy mạnh trong những năm qua, kể cả trong thời gian nhiều hoạt động xã hội bị đóng băng do đại dịch.

Nhưng muốn làm vậy, theo các chuyên gia của WAN-IFRA, các tòa soạn sẽ phải đẩy mạnh cải tổ cơ cấu nhân sự. Sẽ có vị trí việc làm bị mất đi, nhưng sẽ có nhiều vị trí mới xuất hiện hoặc có những phóng viên, biên tập viên phải chuyển đổi chức năng. Một tòa soạn hiện đại cần đến đội ngũ sáng tạo sản phẩm, cần có những chuyên viên dữ liệu, hay thậm chí là đội ngũ chăm sóc khách hàng... xây dựng mô hình công ty công nghệ báo chí (media-tech), bắt kịp theo xu hướng của báo chí thế giới. 

Cụ thể, báo chí thế giới đang đi theo xu hướng báo chí dữ liệu, báo chí thị giác, báo chí giải pháp, đồng thời có chiến lược phát triển cho mobile. Chuyên gia Tristan Ferne, Trưởng Ban Nghiên cứu và dịch vụ tương lai của BBC nói rằng “chúng ta cần hướng tới giới trẻ, vì người trẻ ưu tiên sử dụng điện thoại di động và thích những trải nghiệm mới”. Sự ra đời của TikTok, Short, Reels hay Podcast… chính là minh chứng cho nhận định đó, thậm chí làm thay đổi cả cách xem-nghe-đọc của cả thế giới. 

Nên vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ chúng ta có sẵn sàng thay đổi theo những quỹ đạo đó hay không mà thôi!     

Phát triển hệ sinh thái nội dung trên các nền tảng số 

Trên thực tế, chuyển đổi số ngoài những ý nghĩa như phát triển độc giả trên những nền tảng mới, thay đổi cách kể chuyện truyền thống sang kể chuyện đa phương tiện… thì cũng là hành trình nhằm đa dạng hóa nguồn thu. Hai năm đại dịch đã khiến nhiều cơ quan báo chí lâm vào tình cảnh khó khăn, trong khi chuyển đổi số đang tạo ra những cơ hội mới.

Bất chấp việc doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số phần lớn rơi vào túi các gã khổng lồ xuyên biên giới như Google hay Facebook, song theo FIPP, các cơ quan báo chí phát triển mạnh về công nghệ vẫn có nhiều lợi thế để tăng lợi nhuận. 

Theo báo cáo của Kepios, quy mô thị trường quảng cáo kỹ thuật số tại Việt Nam trong năm 2022 đã tăng lên tới hơn 800 triệu USD, trong đó thị phần của quảng cáo lập trình lên tới 93%. Do đó, việc phát triển hệ sinh thái nội dung trên các nền tảng số không chỉ giúp báo chí tìm được công chúng mới mà còn có thể tạo nguồn thu nhằm tái sản xuất.


NGUYỄN HOÀNG NHẬT
Phó Tổng Biên tập báo điện tử Vietnam Plus